Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng mạnh
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ, nổi bật nhất là nhóm công nghệ với mức tăng 2,6%...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/11) nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ổn định dù nỗi lo về lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn ám ảnh tâm trí nhà đầu tư. Giá dầu thô cũng tăng mạnh sau khi Iraq ủng hộ việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong khuôn khổ OPEC+.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 391,16 điểm, tương đương tăng 1,15%, chốt ở mức 34.283,1 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,56%, đạt 4.415,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,05%, đạt 13.798,1 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 5.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ, nổi bật nhất là nhóm công nghệ với mức tăng 2,6%. Cổ phiếu Microsoft có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại và kết thúc phiên với mức tăng 2,5%. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác gồm Apple, Meta, Tesla và Netflix đều tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu, Alphabet có đuối hơn nhưng vẫn đạt mức tăng ấn tượng 1,8%.
Phiên tăng này giúp cả ba chỉ số có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Cả tuần, S&P 500 tăng 1,3%; Dow Jones tăng khoảng 0,7%; và Nasdaq tăng khoảng 2,4%.
Cơ sở cho phiên tăng này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang. Trước đó, thị trường đã giảm điểm trong phiên ngày thứ Năm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 10 điểm cơ bản. Cú tăng đó của lợi suất diễn ra sau một phiên phát hành trái phiếu ảm đạm của Bộ Tài chính Mỹ và phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell với tín hiệu lãi suất có thể cần phải tăng thêm để kéo lạm phát về mục tiêu 2%.
Phiên giảm ngày thứ Năm chấm dứt chuỗi phiên tăng dài nhất trong 2 năm của S&P 500 và Nasdaq.
Mức độ biến động của chứng khoán Mỹ đã tăng lên thời gian gần đây, nhưng sự vững vàng của nền kinh tế vẫn là một nguồn lực hỗ trợ cho giá cổ phiếu ở Phố Wall. Dù vậy, chính sức chống chọi tốt của nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất cao lại là nguyên nhân khiến nhà đầu tư cảm thấy “chênh vênh” về chính sách tiền tệ của Fed, và điều này có những thời điểm khiến thị trường sụt giảm.
Theo một báo cáo của ngân hàng UBS, lượng việc làm cần tuyển dụng vẫn còn lớn trong nền kinh tế và bảng cân đối kế toán ổn định của các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục ủng hộ triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế. “Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại trong những tháng tới và lạm phát có thể giảm chậm hơn”, báo cáo nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở mức 81,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 77,17 USD/thùng.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, sẽ tổ chức cuộc họp định kỳ về sản lượng vào ngày 26/11. Ngày 10/11, Bộ Dầu lửa Iraq tuyên bố nước này cam kết thực thi thoả thuận của OPEC+ về hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Ngoài ra, nhà phân tích Helima Croft của Capital Economics nhận định nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện sang năm 2024, xét tới thị trường đang lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc và triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu. Một báo cáo của Capital Economics cho rằng OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng nếu giá dầu giảm sâu hơn.
“Chúng tôi duy trì dự báo cho rằng giá dầu Brent sẽ kết thúc năm nay và năm tới ở mức khoảng 85 USD/thùng”, báo cáo viết.
Phiên tăng ngày thứ Sáu của giá dầu còn do các nhà đầu cơ bán khống mua vào để đóng trạng thái do lo ngại có thể xảy ra biến động vào cuối tuần. “Tuần này, trạng thái bán khống dầu đã lên gần mức kỷ lục, và nhiều nhà bán khống đã đóng trạng thái trước khi nghỉ cuối tuần”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nói với Reuters.
Tuy vậy, giá dầu đã giảm 4% trong tuần này do mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. “Mối lo về nhu cầu đã thay thế mối lo về gián đoạn sản lượng dầu liên quan đến cuộc chiến tranh ở Trung Đông”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhấn mạnh.