Chứng khoán Mỹ xanh rực sau phát biểu của Chủ tịch Fed, giá dầu cũng tăng mạnh
Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xác nhận ngân hàng trung ương này chuẩn bị giảm tốc chiến dịch tăng lãi suất đã thổi bùng diễn biến tăng giá khắp các thị trường...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/11), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xác nhận ngân hàng trung ương này chuẩn bị giảm tốc chiến dịch tăng lãi suất. Giá dầu thô tăng 3% nhờ dấu hiệu về sự thắt chặt của nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 737,24 điểm, tương đương tăng gần 2,2%, đạt 34.589,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,41%, đạt 11.468 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,09%, đạt 4.080,11 điểm.
“Việc giảm tốc độ tăng lãi suất là phù hợp khi chúng ta tiến đến gần mức độ thắt chặt có thể đủ để kéo lạm phát xuống. Thời điểm cho việc giảm tốc độ tăng lãi suất sớm nhất có thể vào cuộc họp tháng 12”, ông Powell nói trong bài phát biểu được chờ đợi ở Viện Brookings tại Washington DC.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cũng cảnh báo rằng Fed có thể duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian trước khi kết thúc cuộc chiến chống lạm phát. “Cho dù đã có một số diễn biến hứa hẹn, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi để lập lại ổn định giá cả”, ông nói.
Những phát biểu này của ông Powell củng cố niềm lạc quan của một số nhà đầu tư rằng Fed sẽ đưa ra một bước nhảy lãi suất ngắn hơn, cụ thể là 0,5 điểm phần trăm, trong cuộc họp vào ngày 4/12, sau 4 lần liên tiếp nâng lãi suất với bước nhảy “siêu khủng” 0,75 điểm phần trăm.
“Nhà đầu tư đang tìm kiếm một hòn đá tảng, một thứ mà họ có thể dựa vào để có thể dự báo chắc chắn hơn về những gì Fed sẽ làm với lãi suất trong thời gian tới. Thông điệp rằng tốc độ tăng lãi suất có thể giảm ngay từ tháng 12 chính là tảng đá đó”, CEO Greg Bassuk của AXS Investments phát biểu trên CNBC.
Phiên tăng mạnh vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng đã củng cố thành quả tăng của chứng khoán Mỹ trong tháng 11. Dow Jones và S&P 500 chốt tháng với mức tăng tương ứng 5,7% và 5,4%, trong khi Nasdaq tăng gần 4,4%. Kỳ vọng vào sự giảm tốc trong chiến dịch tăng lãi suất của Fed chính là động lực cho kết quả này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,4 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 85,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,35 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 80,55 USD/thùng.
Dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung, đồng USD suy yếu, và lạc quan về phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc là những động lực đưa giá “vàng đen” tăng phiên này.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 13 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/11, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ năm 2019.
Trao đổi với hãng tin Reuters vào hôm thứ Ba tuần này, ông Fatih Birol, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết định chế này dự báo đến cuối quý 1/2023, sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt gồm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẽ không bán dầu cho những nước áp trần giá lên dầu Nga.
Về nhu cầu, giá dầu được hỗ trợ nhờ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trung Quốc ngày 30/11 báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 giảm so với ngày trước đó. Thị trường cũng đồn đoán nước này sắp nới lỏng một số hạn chế đi lại. Ở Quảng Châu, một số quận bắt đầu nới hạn chế vào ngày 30/11.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD sau tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất từ ông Powell.
Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ giá dầu bị hạn chế phần nào vì báo cáo của EIA cho thấy nhu cầu dầu sưởi của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp dù mùa đông đã bắt đầu. Mặt khác, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 9 tăng 2,4%, đạt 12,27 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Chưa kể, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters nói rằng việc OPEC+ quyết định tổ chức cuộc họp sản lượng ngày 4/12 theo hình thức trực tuyến cho thấy ít có khả năng nhóm này sẽ đưa ra một thay đổi nào đó về sản lượng khai thác dầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga. Trước thềm cuộc họp của OPEC+, gần đây có một số đồn đoán cho rằng nhóm này sẽ cắt giảm sản lượng để cắt đà giảm giá của dầu, và cũng có một số nhà phân tích cho rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng nhằm bù đắp cho khả năng sụt giảm sản lượng dầu của Nga.
Trong tháng 11, giá dầu Brent giảm gần 10%, còn giá dầu WTI giảm khoảng 8,8% - theo dữ liệu từ TradingView. Nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm là mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái vì chính sách tiền tệ thắt chặt.