13:28 10/06/2019

Chứng khoán sáng 10/6: Thanh khoản phục hồi, VCB đang dẫn nhịp

Lan Ngọc

Thị trường bật tăng khá mạnh ngay trong phiên đầu tuần nhờ quán tính của phiên tăng cuối tuần trước. Những ngày nghỉ, thị trường thế giới cũng vẫn tăng và giá dầu phục hồi tốt

Thị trường bật tăng khá mạnh ngay trong phiên đầu tuần nhờ quán tính của phiên tăng cuối tuần trước. Những ngày nghỉ, thị trường thế giới cũng vẫn tăng và giá dầu phục hồi tốt.

Sự tự tin đang quay lại đã đẩy thanh khoản hai sàn sáng nay tăng rất khá. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 1.527 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên trước. Kể cả khi không tính tới giao dịch của ROS thì thanh khoản thậm chí vẫn tăng gần 27%.

Như thế hai sàn đang có dấu hiệu hút tiền trở lại mà không phụ thuộc nhiều vào giao dịch của ROS. Nhóm VN30 tăng gấp rưỡi giao dịch so với phiên sáng hôm thứ Sáu kể cả khi đã loại ROS ra. HPG, VIC, VJC, MWG giao dịch khá lớn.

Thị trường vẫn đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn nhất định, đà tăng có phần bị kiềm chế. Hai nhịp tăng cao nhất sáng nay không đưa được VN-Index vượt qua 966 điểm một cách rõ ràng. Cho tới lúc chốt phiên, chỉ số tụt xuống 963,6 điểm, chỉ còn tăng 0,56% so với tham chiếu.

Nhóm VN30 vẫn đang dẫn dắt đà tăng của các chỉ số và VCB là trụ mạnh nhất. Hơi tiếc là VCB không kéo được VN30-Index nhiều, nhưng ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Tăng 2,13% so với tham chiếu, VCB là cổ phiếu khỏe nhất nhóm blue-chips và cũng mạnh nhất nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên thanh khoản của VCB có phần hạn chế, cả phiên sáng mới giao dịch 132.910 đơn vị tương đương gần 8,9 tỷ đồng. Mặt khác, VCB không lôi kéo được nhóm ngân hàng nói chung, các mã còn lại tăng không mạnh: TCB tăng 0,46%, VPB tăng 0,84%, STB tăng 0,85%, MBB tăng 0,73%, CTG tăng 0,49%, BID tăng 0,47%. Hai mã giảm là EIB giảm 1,36% và HDB giảm 0,19%.

Các trụ còn lại cũng tăng cầm chừng và chỉ có vai trò lớn hơn nhóm khác nhờ quy mô vốn hóa: VNM tăng 0,55%, VIC tăng 0,68%, VHM tăng 0,12%, MSN tăng 0,58%, GAS tăng 0,78%, BVH tăng 0,89%.

Rổ VN30 ghi nhận 21 mã tăng/7 mã giảm và không có trụ quan trọng nào giảm ngoài HPG. Cổ phiếu này tiếp tục chịu áp lực quá lớn từ khối ngoại. Hơn 1,63 triệu HPG bị xả thẳng qua khớp lệnh, chiếm 44% thanh khoản sáng nay của mã này. Mức bán ròng khoảng 1 triệu cổ. HPG sụt giảm 0,22% rất đáng tiếc vì ban đầu giá cũng tăng 1,96%. Khi lực bán của khối ngoại tăng lên, sức ép đã đẩy giá tụt xuống. Hôm nay mới là T2 của lượng hàng bắt đáy hôm 6/6 vừa rồi.

Độ rộng chung của HSX sáng nay là 153 mã tăng/110 mã giảm, trong đó chưa tới 80 mã tăng quá 1%. Như vậy mặt bằng giá của HSX cũng không phải là bùng nổ. Midcap cũng mới tăng 0,33%, Smallcap tăng 0,18%. Không có cổ phiếu đầu cơ nào tăng thận sự ấn tượng với thanh khoản cao.

Sàn HNX cũng giao dịch phập phù vì thiếu trụ và thanh khoản quá yếu. HNX-Index chỉ tăng 0,15% với 49 mã tăng/52 mã giảm. HNX30 tăng 0,2% với 13 mã tăng/10 mã giảm. Nhóm trụ hiện chỉ có PVS tăng 0,44% và đây cũng là mã duy nhất tạo thanh khoản cho sàn này. PVS khớp gần 36,3 tỷ đồng đã chiếm 29,4% tổng khớp của sàn.

Dòng tiền hiện đang tập trung chủ yếu vào sàn HSX. Sàn HPG chỉ có VIC, VJC và MWG là giao dịch lớn. VIC đang cố gắng quay lại đỉnh cao hai tháng còn VJC đang kiểm tra lại đỉnh 2019 trong khi MWG đang ở đỉnh 7 tháng.

Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá tốt. HSX được giải ngân 235,5 tỷ đồng, bán ra 169,6 tỷ đồng. VN30 được mua 105,1 tỷ, bán 106,9 tỷ đồng. HNX mua 3,2 tỷ, bán 1,7 tỷ đồng.

Khối này bán ròng nhẹ tại VN30 chủ yếu là do giao dịch lớn của HPG, ngoài ra có VHM, VNM. ITA, FLC cũng bị bán ròng khá lớn về khối lượng nhưng giá trị thì nhỏ. Phía mua giao dịch chứng chỉ quỹ E1 vẫn là chủ đạo. Cổ phiếu có STB, VIC, HVN, TCM, KBC, HQC, POW. Đáng chú ý là khối ngoại đang mua ròng liên tục chứng chỉ quỹ E1. Tuần trước quỹ này có thêm hơn 348 tỷ đồng từ khối ngoại.