12:09 07/12/2017

Chứng khoán sáng 7/12: Bắt đáy cạn tiền, thanh khoản sụt thảm

Lan Ngọc

Điều bất ngờ nhất sáng nay là thị trường đã không thể phục hồi thật sự được sau cú đẩy điểm số chiều qua. Chỉ số trồi sụt trong xu thế giảm càng lúc càng mạnh

VN-Index tuột dốc liên tục trong sáng nay.
VN-Index tuột dốc liên tục trong sáng nay.

Điều bất ngờ nhất sáng nay là thị trường đã không thể phục hồi thật sự được sau cú đẩy điểm số chiều qua. Chỉ số trồi sụt trong xu thế giảm càng lúc càng mạnh.

Mặc dù nguyên nhân quan trọng có thể là do các trụ lớn tiếp tục giảm thêm, nhưng điều quan trọng nhất là thanh khoản quá kém. Cả thị trường đều nhìn thấy quy mô giao dịch thấp thảm hại.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh sáng nay chỉ đạt 2.473,4 tỷ đồng, giảm 32% so với sáng hôm qua. ROS giảm giao dịch rất mạnh 70% so với sáng hôm qua, nhưng không vì thế mà thanh khoản chung giảm. Kể cả khi không tính tới ROS thì giá trị cũng giảm 29%.

Đặc biệt là nhóm VN30 giao dịch cực kém. Giá trị khớp lệnh sáng nay chưa tới 1.000 tỷ, giảm 41%. Nếu loại bỏ ROS, giá trị vẫn giảm 35%. Như vậy tình trạng giảm thanh khoản là chung trên toàn thị trường.

Thanh khoản tăng mạnh hai hôm trước chủ yếu là do cầu bắt đáy thấy giá rơi quá sâu đã nảy lòng tham. Đặc biệt hôm qua bắt đáy đã chặn được đà rơi và cuối ngày lại kéo điểm số lên giảm rất nhẹ. Điều này giúp cải thiện tâm lý rất nhiều.

Tuy nhiên với khả năng mua đã giảm đi quá nhiều sau 2 phiên liên tục bắt đáy, sáng nay sức mua chỉ đủ duy trì trạng thái xanh trong thời gian rất ngắn. VN-Index lúc gần 10h đã bắt đầu rơi xuống dưới tham chiếu, còn đà tụt dần thì bắt đầu từ 9h30. Độ rộng thị trường cũng thay đổi rất nhanh, ban đầu nhóm Midcap vẫn có nhóm tăng giá áp đảo, nhưng sau đó thu hẹp dần.

Sức mua đặc biệt yếu đi ở các blue-chip. VN30-Index chốt phiên sáng đã giảm 1,02% so với tham chiếu do có 20 mã giảm/8 mã tăng. Sức ép của các cổ phiếu lớn cũng khiến VN-Index giảm 0,89%. Tuy vậy, độ rộng thực tế của HSX cũng không tốt: 122 mã tăng/141 mã giảm.

Thanh khoản sụt giảm quá mạnh ở rổ VN30 cùng với đa số cổ phiếu giảm giá sâu là biểu hiện rõ nhất của sức mua không còn như trước. Phiên sáng nay bao nhiêu hi vọng được đặt trọn vào VNM khi cuối giờ chiều qua có tin F&N sẽ tiếp tục mua lớn. Đầu phiên khá nhiều nhà đầu tư trong nước cũng nhảy vào tranh mua VNM, có lúc đẩy giá lên 197.900 đồng, tăng 1,49%.

Diễn biến sau đó là sự thất vọng lớn, VNM càng lúc giảm càng sâu và nước ngoài càng lúc bán ra càng mạnh. Đến hết phiên sáng khối ngoại đã xả 183.530 cổ phiếu, chiếm khoảng 50% lượng giao dịch sáng nay của VNM. Trong khi đó phía mua gần như không đáng kể.

VNM chốt phiên sáng giảm tới 2,97%, như vậy toàn bộ nhà đầu tư đua theo quỹ Platinum mua ở đỉnh cao hôm 4/12 đã lỗ khá nặng. Nhà đầu tư đua giá sáng nay cũng đang lỗ khoảng 4%.

Nhóm trụ lớn gây sức ép cùng với VNM là SAB giảm 1,83%, VIC giảm 1,64%, VCB giảm 1,56%. Nhóm ngân hàng gần như tất cả đều rơi trong sáng nay: BID giảm 0,6%, MBB giảm 0,4%, CTG giảm 1,49%, STB giảm 2,26%, VPB giảm 1,85%. Chỉ có EIB ngược dòng tăng 6,37%, ACB tăng 0,57%.

VN-Index hầu như không có trụ. GAS tăng 0,84% là mã lớn duy nhất nâng đỡ. Tuy nhiên bản thân GAS cũng đang rớt từ mức tăng đầu phiên tới 3,12%, nghĩa là đang giảm dần độ cao. MSN tăng 0,74%, NVL tăng 0,82%, ROS tăng 0,6% là những cổ phiếu quá yếu thế trước nhóm giảm.

Trên sàn HSX hiện tại vẫn có nhóm Midcap tăng 0,15%, Smallcap tăng 0,13%. Phần lớn số cổ phiếu tăng giá của sàn nằm ở hai nhóm này. Tuy nhiên độ rộng của từng nhóm cũng đang co hẹp lại rất nhanh trước tình trạng cắm đầu của các chỉ số chính.

Sàn HNX cũng có độ rộng đang hẹp lại dần về cuối phiên và HNX-Index đã mất sạch mức tăng ban đầu. Tuy nhiên chỉ số này vẫn chưa giảm vì còn ACB, VCG, VGC nâng đỡ, trong khi độ rộng chỉ còn 68 mã tăng/83 mã giảm. HNX30 đã giảm 0,25% trước sức ép của 13 mã giảm/9 mã tăng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng nhẹ sau phiên bán kỷ lục hôm qua. Tổng giá trị mua sáng nay bao gồm cả thỏa thuận đạt 240,3 tỷ đồng, bán ra 211,3 tỷ đồng. Sàn HNX được mua 6,3 tỷ, bán 8,3 tỷ.

Khối ngoại mua ròng thực tế chủ yếu là nhờ chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 trị giá 71,3 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ này hầu như hôm nay cũng chuyển nhượng kiểu này và chỉ qua thỏa thuận. Còn trên sàn, khối ngoại mua rất ít blue-chips, chỉ có KBC, CII, HPG. Phía bán dẫn đầu lại là SSI, VNM, VCB, VJC.