Chứng khoán tháng 6: Vẫn cần theo dõi chặt rủi ro tỷ giá
Nhà đầu tư nên lưu ý một vài rủi ro có thể ảnh hưởng đến đến thị trường như sự mạnh lên của đồng USD tiếp tục gây áp lực lên vấn đề tỷ giá và ảnh hưởng đến những chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Những thông tin về kết quả kinh doanh đã tác động tích cực lên thị trường trong giai đoạn vừa qua nhưng tỷ giá vẫn tỏa sức nóng đáng kể, gây áp lực lên thị trường bất kể giai đoạn nào. Đặc biệt, trong tháng 6, đây vẫn là yếu tố cần được nhà đầu tư phải tập trung chú ý nhất.
Theo đánh giá của Chứng khoán KBSV, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ nêu trên và DXY neo ở vùng cao. Do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải bán ngoại tệ trong những đợt tỷ giá biến động mạnh.
Về dài hạn, dự báo tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm khi FED thực hiện việc hạ lãi suất. Theo đó, KBSV duy trì dự báo về mức tăng của tỷ giá là 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 USD/VND.
Trong đó, theo CME, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 51,3%, và có 2 đợt hạ trong năm nay. Những dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ dù vẫn ổn nhưng đang có dấu hiệu suy yếu, thước đo lạm phát ưa thích của FED (PCE) hạ nhiệt như kỳ vọng đang củng cố cho kịch bản này. Chỉ số DXY giảm 1,5% trong tháng, tuy nhiên với kỳ vọng ECB hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6, khả năng DXY sẽ tăng trở lại và gây thêm áp lực lên tỷ giá.
Tình hình trong nước diễn biến trái chiều. Dòng ngoại tệ sẽ chịu nhiều áp lực do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi xuất khẩu tăng trưởng chậm. Điểm tích cực là dòng vốn FDI vẫn ổn định (lũy kế 5 tháng giải ngân 8.25 tỷ USD – cao nhất trong 5 năm trở lại đây).
Chênh lệch giá vàng với thế giới cũng đã rút xuống còn 8-9 triệu đồng/lượng sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép SJC và 4 ngân hàng quốc doanh mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán trực tiếp cho dân, giảm bớt áp lực nhập lậu vàng.
Về mặt định giá thị trường chứng khoán, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 16x lần theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp. Mức định giá này đang ngang mức trung bình 2 năm của VN-Index và thấp hơn mức trung bình 10 năm.
Về biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 5, trong kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ cần thêm thời gian vận động đi ngang trên vùng đỉnh, các nhóm cổ phiếu sẽ có diễn biến phân hoá trước khi có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong bối cảnh bức tranh kinh doanh trong Quý 2 dần rõ nét.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường chứng khoán trong tháng 6 có thể kể tới gồm thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng 6 và cả Quý 2/2024; Biến động về giá trị mua/bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới. Khối ngoại chững lại đà bán là yếu tố tích cực với thị trường; Tình hình tỷ giá USD/VND và động thái của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý một vài rủi ro có thể ảnh hưởng đến đến kịch bản cơ sở như Rủi ro xung đột căng thẳng địa chính trị. Căng thẳng leo thang tại Trung Đông và nguy cơ lan rộng các khu vực trên thế giới là mối đe doạ với sự ổn định trên toàn cầu, ảnh hưởng đến giá hàng hoá, chuỗi cung ứng...
Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của chỉ số chung; Sự mạnh lên của đồng USD tiếp tục gây áp lực lên vấn đề tỷ giá và ảnh hưởng đến những chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trên khung đồ thị ngày, VN-Index đang cho thấy xu hướng vận động đi ngang trong vùng 1250-1285. Mặc dù áp lực phân phối gia tăng mạnh tại cận trên của dải, lực cầu chủ động bắt đáy giá thấp cũng giúp VN-Index tiếp tục giữ vững xu hướng vận động trên đường MA20 ngày, đồng thời tạo một nền giá tại 125x.
Trên khung đồ thị tuần, VN-Index diễn biến có phần kém khả quan hơn khi xuất hiện 2 nến giảm điểm mang tính phân phối với khối lượng lớn ở quanh vùng đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, khi đa số các chỉ báo xung lực chưa lên vùng quá mua thì tín hiệu phân phối này chưa mang tính rủi ro cao.
Bên cạnh đó, đà hồi phục của nhóm cổ phiếu VN30 đang có phần tích cực hơn sau khi đã trải qua nhịp điều chỉnh mạnh hơn VN-Index, tạo nến rút chân và hồi phục ở quanh vùng hỗ trợ 1260.
Với những yếu tố này, KBSV nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ tăng điểm vượt vùng kháng cự tâm lý 1300 điểm trước khi gặp áp lực điều chỉnh mạnh trở lại tại vùng kháng cự trung hạn quanh 1330 (+-10).
Kịch bản còn lại (30% xác suất), chỉ số sẽ vận động sideway tích lũy với biên độ từ 1240-1300 điểm trong phần lớn các phiên giao dịch của tháng 6, rồi mới có thể xuất hiện nhịp bứt phá. Rủi ro ảnh hưởng đến kịch bản bao gồm vấn đề áp lực tỷ giá trở nên trầm trọng hơn, cũng như khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (US10Y) vượt mốc 4,8%.