Chứng khoán Trung Quốc tăng “rực rỡ”, bất chấp Mỹ tăng thuế quan
Nhiều thị trường chủ chốt khác ở khu vực châu Á cũng chuyển “xanh” dù mối lo về đổ vỡ đàm phán Mỹ-Trung bị đẩy lên cao
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có diễn biến bất ngờ sau khi Mỹ chính thức nâng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của nước này. Nhiều thị trường chủ chốt khác ở khu vực châu Á cũng chuyển "xanh" dù mối lo về đổ vỡ đàm phán thương mại Mỹ-Trung bị đẩy lên cao.
Lúc gần 2h chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng gần 3,1%.
Loạt chỉ số đi lên
Trước đó, vào thời điểm sau khi Mỹ chính thức nâng thuế vào lúc khoảng 11h trưa theo giờ Việt Nam, chứng khoán Trung Quốc đã sụt điểm. Tuy nhiên, các chỉ số nhanh chóng hồi phục và chuyển sang trạng thái tăng mạnh.
CSI 300, thước đo cổ phiếu blue-chip niêm yết tại Trung Quốc đại lục, đạt mức tăng hơn 3,7%.
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng hơn 1,2%. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 0,4%. Chứng khoán Australia ghi nhận mức tăng gần 0,3% của chỉ số ASX 200.
Nhật Bản là thị trường chứng khoán chủ chốt duy nhất trong khu vực giảm điểm ở thời điểm này, với mức giảm gần 0,3% của chỉ số Nikkei 225.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,3%, sau khi có thời điểm giảm hơn 1%.
Theo hãng tin Reuters, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đảo ngược quyết định tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố trả đũa nhưng chưa chính thức "ra đòn". Nhà Trắng tuyên bố vòng đàm phán thương mại đang diễn ra ở Washington vẫn sẽ tiếp diễn trong ngày thứ Sáu.
Tình hình hiện nay khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại sâu sắc về sự leo thang của cuộc chiến thương mại vốn đã phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế thế giới trong hơn 1 năm qua.
Áp lực giảm còn lớn
"Trừ phi Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Xung đột có thể leo thang vượt ra khỏi vấn đề thuế quan, vượt ra khỏi vấn đề kinh tế", ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc Rabobank, ở Hồng Kông nhận xét với Reuters.
Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn tiếp tục khiến một số nhà đầu tư cố bấu víu lấy hy vọng rằng ông Trump sẽ rút lại việc tăng thuế nếu Mỹ-Trung đạt được một thỏa thuận.
"Khả năng cao nhất, mà theo chúng tôi lên tới 70%, là hai bên đạt một thỏa thuận, cho dù có muộn hơn dự kiến một chút", chiến lược gia cao cấp Jack Siu thuộc Credit Suisse ở Hồng Kông phát biểu. Ông Siu dự báo thị trường sẽ tiếp tục giằng co cho tới khi có một thỏa thuận thực sự.
Một vấn đề khác khiến giới đầu tư bất an là ông Trump hôm thứ Năm tuyên bố đã khởi động các thủ tục để áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.
"Tôi cho rằng khả năng đạt một thỏa thuận đã giảm đi nhiều và khả năng đổ vỡ đàm phán đã tăng thêm", nhà phân tích Nick Marro thuộc Economist Intelligence Unit nói với hãng tin CNBC.
Dù thừa nhận việc đàm phán tiếp diễn là điều "tích cực", ông Marro nói sự leo thang căng thẳng có thể "phủ bóng lên vòng đàm phán như một đám mây đen".
"Tôi cho rằng việc tăng thuế sẽ làm suy giảm thiện chí và động lực tích cực mà hai bên đã xây dựng được với nhau trong quý 1 năm nay. Sẽ rất khó để họ làm lại được điều đó", vị chuyên gia đánh giá.
Tuần này, hầu hết các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á đều đã giảm sâu vi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Tính từ đầu tuần, Shanghai Composite Index đã giảm khoảng 6%, Nikkei 225 mất khoảng 4,5%, và MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản trượt 4,3%, theo dữ liệu của Reuters.
"Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng mạnh trong những ngày tới, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có phản ứng mạnh. Khả năng sẽ là một đợt điều chỉnh ít nhất 15% đối với chứng khoán Trung Quốc và các thị trường mới nổi, và khoảng 5-7% đối với chứng khoán toàn cầu. Chúng tôi cho là như vậy", Lombard Odier Investment Managers nhận định trong một báo cáo được Reuters trích dẫn.
Ngoài ra, tâm lý của giới đầu tư toàn cầu cũng đang bị tác động bởi những thông tin về căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Hôm thứ Năm, Triều Tiên được cho là đã phóng hai tên lửa tầm ngắn, đánh dấu vụ thử tên lửa thứ hai của nước này trong vòng chưa đầy 1 tuần. Tiếp đó, Mỹ tuyên bố đã bắt một tàu chở hàng của Triều Tiên.
Về Iran, ông Trump tuyên bố không thể loại trừ khả năng đối đầu quân sự sau khi Tehran nới lỏng hạn chế đối với chương trình hạt nhân Iran nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ.