18:46 06/06/2008

“Chúng tôi đủ khả năng giữ ổn định VND”

Nguyễn Hoài

Nội dung cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông David Fernandez, Kinh tế trưởng Tập đoàn JP Morgan Chase

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 5/6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông David Fernandez - Kinh tế trưởng Tập đoàn JP Morgan Chase* - nhằm phân tích, đánh giá tình hình lạm phát, nhập siêu để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trước mắt của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008.

VnEconomy xin đăng tải nội dung buổi trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông David Fernandez.

"Sẽ tăng cường ổn định VND và tăng cường công tác thông tin"

David Fernandez: Xin cám ơn ngài và chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện với người đứng đầu của Chính phủ một đất nước hơn 80 triệu dân.

Trước khi đến tiếp kiến ngài, chúng tôi đã chuẩn bị một báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Từ trước tới nay, nhóm nghiên cứu phân tích kinh tế của JP Morgan luôn đưa ra những báo cáo phân tích kinh tế toàn diện và trung tính. Chúng tôi không tô hồng cũng không bôi đen.


Thủ tướng: Chúng tôi cũng mong muốn các bạn thông tin đầy đủ cả mặt được và chưa được của nền kinh tế Việt Nam. Quan trọng nhất là chỉ ra khuynh hướng, chiều hướng phát triển, thí dụ hiện nay chiều hướng phát triển của Việt Nam là như thế nào...

David Fernandez: Ngài đã chia sẻ với chúng tôi những mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, tôi cho rằng đây là những quyết sách quan trọng. Chúng tôi cho rằng Việt Nam như là một vận động viên điền kinh, cần phải đủ lực và đủ độ bền để chạy đua với tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên vấn đề hiện tại của Việt Nam cần phải giải quyết tức thời. Có thể ví Việt Nam hiện nay như một vận động viên tuy chạy rất nhanh, rất khỏe nhưng bị đau ruột thừa, cần chữa trị nhanh chóng. Như ngài đã biết, Chính phủ và người dân Việt Nam suy nghĩ và tính toán về cuộc đua đường dài, nhưng cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ quan tâm đến vấn đề trước mắt.

Tôi rất buồn nhưng phải nói thật là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam hiện đang giảm sút. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng niềm tin hoàn toàn có thể xây dựng và củng cố lại nếu Chính phủ có những quyết sách, biện pháp mạnh mẽ, tuy có thể gây sốc nhưng sẽ là cú sốc tích cực với thị trường.

Cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài thường nhận định tình hình theo chiều hướng xấu.

Sau đây tôi xin hỏi một số vấn đề chính mà cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tại Việt Nam.

Vấn đề đầu tiên là Chính phủ Việt Nam có quan tâm đến vấn đề kiểm sóat vốn đầu tư hay không; có dự định cắt giảm hay kiềm chế vốn đầu tư hay không?

Thủ tướng: Về vốn đầu tư gián tiếp, Chính phủ chưa có ý định kiểm soát giống như có quốc gia trong khu vực đã làm trước đây vì cho rằng như vậy là không cần thiết, không phù hợp với điều kiện Việt Nam, không phù hợp với quy luật thị trường. Thị trường Việt Nam đang mở cửa hội nhập tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Đầu tư gián tiếp (FII) tại Việt Nam đến nay, theo chúng tôi, ở mức khoảng 8 tỷ USD, không nhiều, việc các bạn chuyển đổi, đưa dòng vốn ra khỏi Việt Nam theo chúng tôi cũng là bình thường, không có gì phải kiểm soát.

David Fernandez: Chúng tôi có trao đổi với các lãnh đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện trên thị trường chợ đen, các hoạt động đầu cơ đều dựa trên nhận định rằng VND sẽ phá giá rất lớn. Vậy chúng tôi muốn hỏi liệu Chính phủ Việt Nam có dự định phá giá VND với một tỷ lệ lớn hay không?

Thủ tướng: Việt Nam ý thức rất rõ rằng sự ổn định giá trị của đồng tiền có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Chính phủ Việt Nam chưa có ý định phá giá đồng tiền. Chủ trương của Việt Nam là điều hành tỷ giá theo cung cầu của thị trường. Cho đến hiện nay chúng tôi chưa thấy có yếu tố gì, lý do gì để Chính phủ Việt Nam phá giá đồng Việt Nam.

Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2008 đang thặng dư. Cán cân thương mại tuy có nhập siêu nhưng cân bằng tổng thể của cán cân thanh toán vẫn là thặng dư.

Có thể khẳng định rằng chúng tôi chưa có chủ trương phá giá VND vì thực tế cho thấy chưa có lý do gì cho sự phá giá đồng tiền. Hiện nay biên độ giao động tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố mới ở khoảng ± 1%, thấp hơn mức dự kiến ± 2% cho năm 2008.

Có người khuyên chúng tôi phá giá VND ở mức 10%, 20%. Có người khuyên chúng tôi tăng giá đồng Việt Nam để chống lạm phát. Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi phân tích rằng trong thời điểm hiện nay việc giữ biên độ dao động tỷ giá đến mức hiện nay là phù hợp.

Ở Việt Nam có giao dịch chợ đen với tỷ giá giao dịch cao hơn tỷ giá chính thức. Nhưng tỷ giá trên chợ đen hình thành không chỉ do cung cầu thị trường mà còn do yếu tố tâm lý, tin đồn.

Có tin đồn từ Hồng Kông về việc cá cược xung quanh việc VND sẽ giảm giá 40%, 50%, tạo ra một tâm lý kỳ vọng, đón đầu sự phá giá của VND. Chính phủ sẽ tăng cường ổn định VND và tăng cường công tác thông tin.

"Lòng tin là yếu tố rất quan trọng"

David Fernandez: Trước khi đưa ra quan điểm của mình, tôi cũng muốn trình bày với ngài rằng bản thân tôi không phải là người chuyên đưa ra lời khuyên cho các chính phủ nước ngoài. Tôi cũng cho rằng việc phá giá VND sẽ là một sai lầm tai hại.

Thủ tướng: Tôi đồng tình với ngài không phải vì ý ngài nói phù hợp với quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi đã cân nhắc giữa việc phá giá và việc giữ nguyên giá trị VND và thấy rằng việc ổn định VND sẽ có lợi hơn nhiều.

David Fernandez: Ngày xưa, khi còn là sinh viên ở trường, thầy dạy của tôi có nói rằng điều quan trọng là chính phủ và ngân hàng trung ương phải đưa ra các dấu hiệu, các thông điệp cho thị trường.

Vì vậy, tôi kính đề nghị Chính phủ quyết liệt và đưa ra các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng thị trường chợ đen và các thị trường không chính thức ở Hồng Kông là không chính xác, mang tính chất đầu cơ và dựa trên những nhận định hoàn toàn sai lầm.

Và quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam phải cho dân chúng biết khả năng chống phá giá của Chính phủ Việt Nam là bao nhiêu.

Thủ tướng: Chính phủ Việt Nam đủ sức can thiệp để đảm bảo nhập khẩu bình thường, và chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng đảm bảo để giữ biên độ tỷ giá và ổn định VND như hiện nay.

David Fernandez: Chúng tôi thấy cán cân thanh toán của Việt Nam từ 2003 luôn thặng dư. Chính vì vậy đầu năm ngoái khi đưa ra báo cáo về Việt Nam chúng tôi đã nhận định rằng VND có thể sẽ hơi tăng giá.

Thủ tướng: Năm 2007, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, năm 2006 chúng tôi dự trữ có 10 tỷ USD, năm 2007 dự trữ của chúng tôi đã tăng lên 20 tỷ USD.

Năm tháng đầu năm 2008, cán cân thương mại tuy có thâm hụt nhưng cán cân thanh toán đã thặng dư 700 triệu USD, gần 1 tỷ USD.

Mục tiêu của Việt Nam năm 2008 là giữ tỷ lệ nhập siêu ở mức 30%, như vậy, cán cân thanh toán sẽ ở mức thặng dư 2 đến 3 tỷ USD.

David Fernandez: Chúng tôi cho rằng nếu Chính phủ Việt Nam giải quyết được vấn đề lòng tin và những khủng hoảng tạm thời này thì trong tương lai, cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ còn thặng dự hơn nữa. Chúng tôi cho rằng quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam là khá lớn để xử lý những vấn đề như hiện nay, nên sử dụng quỹ dự trữ này ngay lập tức.

Thủ tướng: Chúng tôi cũng mong các bạn ủng hộ để xây dựng lòng tin, mong các bạn có tiếng nói khách quan về nền kinh tế Việt Nam, để góp phần giải quyết sự cố lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam, để giải quyết các đồn đoán không chính xác.

Lòng tin là yếu tố rất quan trọng. Merril Lynch Hồng Kông và Morgan Stanley đã đưa ra bức tranh không khách quan về nền kinh tế Việt Nam, tạo ra sự suy giảm lòng tin rất lớn cho các nhà đầu tư.

David Fernandez: Sáng nay tôi nhận được báo cáo rằng thị trường tín dụng cho Việt Nam từ hôm qua đến nay đã tăng lên, hoạt động đã trở lại rất nhộn nhịp. Merril Lynch nhận định rằng đó chính là do JP Morgan đã đưa các thông tin tích cực về thị trường Việt Nam.

Chúng tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã can thiệp vào thị trường ngọai hối. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng các can thiệp của chính phủ vào thị trường ngoại hối vẫn mang tính thăm dò và chưa đủ mạnh.

Thủ tướng: Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đang can thiệp vào thị trường ngoại hối chính thức để hỗ trợ và ổn định cho hoạt động nhập khẩu theo mục tiêu của Chính phủ. Đối với thị trường không chính thức, có rất nhiều hoạt động đầu cơ. Người dân đăng ký làm đại lý thu đổi ngoại tệ, nhưng nhiều đại ký thực hiện mua bán ngoại tệ, tung tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý với những hoạt động này.

"Việt Nam chưa cần đến sự hỗ trợ của IMF"

David Fernandez: Một vấn đề mà ngài vừa đề cập với chúng tôi là mức dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Liệu Chính phủ có thể thông tin rõ ràng được không?

Thủ tướng: Chúng tôi vẫn cung cấp các thông tin này, cho IMF, WB, theo đúng các thông lệ quốc tế là mức dự trữ ngoại hối có thể tài trợ cho bao nhiêu tuần nhập khẩu.

David Fernandez: Liệu ngài có thể phá vỡ các thông lệ về việc công bố, để ra một thông điệp nói rõ với công chúng rằng mức dự trữ ngoại tệ hiện tại của Việt Nam là bao nhiêu được không?

Thủ tướng: Hoàn toàn có thể, chúng tôi đã công bố trước Quốc hội rằng mức dự trữ ngoại tệ đã tăng thêm 10 tỷ USD vào 2007.

David Fernandez: Việt Nam cần đưa ra thông điệp củng cố lại niềm tin với các bạn bè khác, như các ngân hàng trung ương trong khu vực. Các bạn bè trong khu vực có những hạn mức hoán đổi để giúp các bạn giải quyết các vấn đề trước mắt, ví dụ sáng kiến Chiềng Mai…hoặc sử dụng các khoản vay song phương từ các nước Châu Á láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Thủ tướng: Chúng tôi có nghĩ đến cơ chế đó, nhưng trong thời điểm hiện nay chúng tôi thấy rằng chúng tôi chưa thực sự cần sử dụng.

David Fernandez: Như bài phân tích của chúng tôi, chúng tôi cho rằng Việt Nam, với mức dự trữ ngoại tệ hiện nay, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn tiền gửi rút vốn. Chính phủ Việt Nam có ý định tham gia chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không?

Thủ tướng: Việt Nam chưa cần đến chương trình hỗ trợ kinh tế của IMF. 10 năm trước, khi còn đang giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam chưa cần đến sự hỗ trợ của IMF và điều này vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện nay.

David Fernandez: Câu hỏi cuối cùng của chúng tôi liên quan đến người dân gửi tiền ở Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng Việt Nam có thể chống đỡ lại việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mối lo ngại lại nằm ở người dân Việt Nam, làm sao để giữ chân người dân giữ tiền VND không bán tháo ra?

Thủ tướng: Thứ nhất là yếu tố niềm tin của người dân. Thứ hai, chúng tôi giữ mức lãi suất cho tiền gửi theo hướng thực dương.

Tóm lại, chúng tôi có hai giải pháp: yếu tố lòng tin, và thứ hai là yếu tố kinh tế, người gửi tiền sẽ được lợi và không rút tiền để mua vàng và USD.

Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của các ông tới Việt Nam và các nhận định khách quan của các ông về Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ vượt qua được những khó khăn này để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng bền vững.

* JP Morgan Chase là một trong những tập đoàn tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York (Mỹ), hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ tài chính, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Tài sản của tập đoàn này vào khoảng 1.600 tỷ USD, là ngân hàng lớn thứ ba ở Mỹ, sau Bank of America và Citigroup. Quỹ đầu tư tương lai (hedge fund) của JP Morgan Chase là quỹ đầu tư tương lai lớn nhất Hoa Kỳ với tài sản 34 tỷ USD năm 2007 (Nguồn: Wikipedia).