22:20 14/07/2025

Chương trình ERPA mang về gần 200 tỷ cho các chủ rừng tại Thanh Hóa

Nguyễn Thuấn

Gần 200 tỷ đồng từ ERPA không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho hàng chục nghìn hộ dân mà còn tạo động lực bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giúp Thanh Hóa thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hoá
Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hoá

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) là một trong những chương trình quốc tế quan trọng hỗ trợ tài chính cho công tác bảo vệ rừng tại Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, đã tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận này, mang lại hiệu quả cả về môi trường và kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hoá, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 647.000 ha, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh được lựa chọn để thực hiện Thỏa thuận ERPA được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD). Theo thỏa thuận, tổng giá trị chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO₂ tại vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2024 là 51,5 triệu USD, trong đó phần của Thanh Hóa dự kiến khoảng 8,389 triệu USD, tương đương 219,3 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/6/2025, tổng nguồn thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 199,3 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối 198,9 tỷ đồng, phần còn lại là tiền lãi từ việc gửi ngân hàng. Từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành chi trả đúng quy định cho các chủ rừng, bao gồm tổ chức, UBND cấp xã, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Tổng số tiền đã được chi trả đến thời điểm hiện tại là 107,68 tỷ đồng, bằng 54,1% kế hoạch. Trong đó: 49,2 tỷ đồng đã được chi cho 31 tổ chức; 1,82 tỷ đồng cho 36 UBND cấp xã và 52,51 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ giải ngân được 180,02 tỷ đồng, tương đương 90,45% kế hoạch.

Riêng năm 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch tài chính từ nguồn thu ERPA với tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng. Trong đó, gần 45 tỷ đồng là phần kinh phí chưa sử dụng từ năm 2024 chuyển sang, bao gồm 18,39 tỷ đồng còn lại tại Ban quản lý Quỹ và 26,54 tỷ đồng tại các chủ rừng. Số kinh phí dự kiến thu trong năm 2025 là gần 73 tỷ đồng.

Tổng diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện chi trả trong năm là 365.758,85 ha. Mức chi trả thống nhất là 166.711 đồng/ha. Theo kế hoạch, gần 61 tỷ đồng sẽ được chi trả trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng. Trong đó: hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhận hơn 31 tỷ đồng; UBND cấp xã nhận 1,4 tỷ đồng; các tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng nhận hơn 28,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, diện tích rừng chưa đủ điều kiện chi trả là hơn 27.600 ha, tương ứng với phần kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng chưa được giải ngân. Đây là những diện tích cần tiếp tục được kiểm tra, hoàn thiện thủ tục và xác minh điều kiện hưởng lợi theo đúng quy định.

Tổng số chủ rừng hưởng lợi từ nguồn chi trả ERPA năm 2025 tại Thanh Hóa là 25.398 chủ rừng, trong đó có 25.301 hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; 59 UBND cấp xã và 38 tổ chức. Việc chi trả tiền được thực hiện minh bạch, đầy đủ, đúng quy trình, tạo sự đồng thuận và tin tưởng trong người dân và các bên liên quan.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định về ERPA, chương trình đã mang lại những kết quả thiết thực trong việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Thanh Hóa, ERPA không chỉ đóng vai trò tài chính hỗ trợ bảo vệ rừng mà còn là động lực để các chủ rừng nâng cao trách nhiệm, giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp.

Đối với các cộng đồng dân cư, nguồn thu từ ERPA giúp xây dựng các công trình thiết yếu, cải thiện chất lượng sống. Với các tổ chức, đây là nguồn “trợ lực” bên cạnh ngân sách nhà nước để duy trì, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, nâng cao độ che phủ rừng, gìn giữ môi trường sống bền vững.

Chương trình ERPA vì vậy được xem là mô hình hợp tác tài chính – môi trường hiệu quả, không chỉ góp phần vào nỗ lực toàn cầu giảm phát thải mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương như Thanh Hóa.