10:21 05/01/2023

Chuyển đổi số hoạt động tố tụng với tòa án điện tử

Đỗ Mến

Chuyển đổi số trong ngành tòa án ngày càng hiện hữu với hàng loạt các chương trình được triển khai như việc công khai các bản án trên hệ thống website, xét xử trực tuyến, phần mềm “trợ lý ảo thẩm phán”, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… nhằm nâng cao hiệu quả xét xử, đảm bảo cải cách tư pháp.

Chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử là xu thế chung và không thể đảo ngược. Xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp của thế giới.

Đây cũng là việc thực hiện cam kết của Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử. Bản chất của tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của tòa án, trong đó cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số.

XÉT XỬ TRỰC TUYẾN ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Một năm sau khi ban hành Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, các hoạt động xét xử trực tuyến đã được tổ chức rộng khắp trên nhiều tỉnh thành và ghi nhận một số kết quả tích cực.

Đầu tháng 12/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp mở phiên tòa xét xử vụ án điểm dân sự về tranh chấp hợp đồng thuê đất. Phiên tòa được mở theo hình thức trực tuyến, được truyền tới 32 điểm cầu tại Tòa án, Viện Kiểm sát cấp thành phố và 30 quận, huyện trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng xét xử, điều hành phiên tòa, chuẩn bị tài liệu, trang bị kỹ thuật… cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, thẩm tra viên.

Phiên tòa lần này, Hội đồng xét xử đã chú trọng thực hiện số hóa hồ sơ, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ số hóa và phân tích, đánh giá đầy đủ các tình tiết của vụ án.

Việc xét xử trực tuyến được thực hiện theo Nghị quyết số 33, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cho đến nay, đã tổ chức được gần 4.000 phiên tòa trực tuyến trên toàn quốc với chất lượng cao, trong đó có hơn 3.000 phiên tòa hình sự, 240 phiên tòa dân sự, 251 phiên tòa hành chính và 158 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp mới. Do đó, khó tránh khỏi sẽ có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi cần xây dựng các quy định để đảm bảo cho việc xét xử trực tuyến tuân thủ các nguyên tắc căn cốt của pháp luật tố tụng, xử lý các vấn đề cụ thể trong quá trình tổ chức hình thức xét xử này cũng như học hỏi kinh nghiệm của quốc tế.

Theo Nghị quyết số 33, Tòa án Nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong vụ án rõ ràng; trừ các trường hợp liên quan đến bí mật của Nhà nước hoặc vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

 ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG "TRỢ LÝ ẢO" THẨM PHÁN

Mô hình phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm…

Theo chủ trương của Tòa án Nhân dân tối cao về chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử, ngày 15/3/2022, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch 49/KH-TANDTC với mục đích đưa trợ lý ảo vào trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho thẩm phán.

Trước đây, Tòa án đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao theo Nghị quyết số 03/2017/Nq-HĐTP của Tòa án Nhân dân tối cao. Việc công khai các bản án đã giúp cho các thẩm phán có nguồn tham khảo khi gặp các vụ án có những sự kiện pháp lý tương tự nhau mà các tòa án khác đã xét xử.

Ông Tống Anh Hào – nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh rằng một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án là phải nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ tòa án nhất là các thẩm phán. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cho nên ngoài luật còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, án lệ, kể cả những Công văn có tính chất hướng dẫn việc áp dụng pháp luật.

Do vậy khi xử lý một vấn đề cụ thể, Tòa án phải áp dụng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật rất phức tạp nên dễ dẫn đến sai sót trong áp dụng pháp luật, việc xử lý những tình huống pháp lý cụ thể rất khó khăn. Tuy hiện nay có nhiều phầm mềm cung cấp văn bản quy phạm pháp luật trên mạng Internet, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thẩm phán.

Vì vậy, một trong những yêu cầu của việc nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của thẩm phán là làm thế nào để thẩm phán hiểu và áp dụng pháp luật đúng; xử lý các tình huống pháp lý đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hoạt động tố tụng nhanh chóng, kịp thời, khoa học, đúng quy định; các văn bản tố tụng càng ngày càng chất lượng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1 phát hành ngày 2-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển đổi số hoạt động tố tụng với tòa án điện tử - Ảnh 1