17:03 21/11/2024

Chuyển đổi số ngành công thương: Đi nhanh nhưng không đốt cháy giai đoạn

Vũ Khuê

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu xây dựng đề án, lộ trình chuyển đổi, xác định khả năng nguồn lực để phân đoạn theo lộ trình; cần thực hiện từng bước và liên tục, có thể đi nhanh nhưng không đốt cháy giai đoạn…

Gian hàng giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi số tại diễn đàn chuyển đổi số ngành Công thương 2024.
Gian hàng giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi số tại diễn đàn chuyển đổi số ngành Công thương 2024.

Bộ Công Thương nhận định, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Chuyển đổi số đã giúp thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, gia tăng tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng năm trước.

THÁCH THỨC TỐC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI

Tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công thương 2024: “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững” ngày 21/11, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển inh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng và dịch vụ logistics.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số phát biểu tại diễn đàn.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số phát biểu tại diễn đàn.

Riêng trong lĩnh vực bán buôn – bán lẻ, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng bán buôn, bán lẻ trên Internet tại Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, lĩnh vực này đóng góp vào kinh tế số nhanh nhất. Quy mô thị trường năm 2023 đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Thailand).

Theo tính toán 1 người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng. Doanh thu B2B (doanh nghiệp với người tiêu dùng) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng 25% cao hơn mức 20% năm 2022.

Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, hai thách thức đang đặt ra với ngành này trong chuyển đổi số là thiếu nền tảng công nghệ, kết nối người bán và người mua tại Việt Nam với đối tác trên toàn cầu; thiếu hạ tầng logistic, nền tảng thanh toán đồng bộ, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cụ thể, khảo sát của liên bộ Công Thương-Thông tin và Truyền thông tại quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua với 2.000 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 3,5% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ đã sử dụng các giải pháp công nghệ số.

Tỷ lệ còn lại rất lớn - 96% doanh nghiệp, cửa hàng, chợ truyền thống chưa sử dụng công nghệ số. Ông Tuấn lo ngại nếu tỷ lệ này không triển khai nhanh thì sẽ thua các nhà cung cấp nước ngoài ngay trên sân nhà.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Temu… của Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ giao hàng rất nhanh, ưu đãi lớn… nguy cơ các cửa hàng bán buôn, bán lẻ phải đóng cửa là rất lớn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Xuất hiện mô hình sản xuất công nghiệp mới và thay đổi cách thức sản xuất; thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, đánh giá một cách thẳng thắn, đại diện Cục công nghiệp thừa nhận, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp còn thấp. Nguồn nhân lực đang thiếu và yếu về năng lực nhưng lại dư thừa về số lượng. Đặc biệt, mô hình quản trị và các quy trình còn lạc hậu; sự lệ thuộc công nghệ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Với ngành dệt may, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cho biết hiện nay ngành dệt may đã ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào trong sản xuất, như nhà máy dệt may thông minh sử dụng thiết bị kỹ thuật số kết nối toàn bộ nhà máy qua IoT; dây chuyền sản xuất sơ mi 100% kết hợp người-máy...

Hiện nay, tỷ lệ các nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ số: 35% tích hợp IoT; 42% điện toán đám mây; 18% áp dụng chuỗi khối; 27% sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu.

Nhưng thách thức lâu dài với ngành, đó là khi Ủy ban Châu Âu đang đẩy mạnh sáng kiến Hộ chiếu số cho sản phẩm dệt may (là một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu). Sáng kiến này nhằm thúc đẩy sự minh bạch hóa dữ liệu liên quan đến sản phẩm dệt may trong suốt vòng đời sản phẩm.

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI CÁC GIẢI PHÁP PHÙ HỢP

Để giải bài toán đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, ông Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đang thúc đẩy triển khai tại 6 nhà cung cấp với đầy đủ hệ sinh thái (từ đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán, kho vận, các dịch vụ logistics...) nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh để nhanh chóng đón đầu xu hướng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngành công thương: Đi nhanh nhưng không đốt cháy giai đoạn - Ảnh 1

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Tuấn đề xuất ngành công thương cần đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp thông qua: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái các giải pháp phù hợp với bộ tiêu chí; xây dựng công cụ để đánh giá theo bộ tiêu chí; đánh giá trực tuyến mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; kết nối doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với các giải pháp.

Với lĩnh vực công nghiệp, ông Hùng chia sẻ, Bộ đã hợp tác với Samsung, Toyota… đào tạo chuyên gia tư vấn; tập huấn, đào tạo các mô hình sản xuất, quản lý chất lượng hiện đại. Hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) triển khai xây dựng và công bố bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số: Nghiên cứu, đề xuất, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.

Đối với ngành dệt may theo ông Hiệp, cần có các giải pháp ứng dụng hộ chiếu số vào ngành dệt may Việt Nam. Tuân thủ các quy định sắp tới của EU đối với sử dụng hộ chiếu số cho sản phẩm dệt may. Tổ chức lại sản xuất và quá trình quản lý để có thể tạo ra các sản phẩm xanh hơn, có thể truy vết được toàn bộ vòng đời sản phẩm. Hoàn thiện hiệu suất sử dụng nguồn lực đầu vào và giảm thiểu phát thải, lãng phí.

Để làm được điều này, ông Hiệp cho rằng cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực (nhân lực kỹ thuật may, nhân lực sợi dệt) đáp ứng công nghiệp 4.0 thông qua gắn công tác đào tạo tại trường với doanh nghiệp như: doanh nghiệp tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp, chương trình đào tạo, học liệu, tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập; cử sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 2…