17:43 18/08/2024

Chuyên gia AVSE Global đề xuất 4 yếu tố đưa Ninh Bình thành thành phố toàn cầu

Anh Nhi

Một chiến lược đặc biệt gồm 4 yếu tố D-I-N-H đã được các chuyên gia AVSE Global đề xuất cho tỉnh Ninh Bình để tận dụng ưu thế của một vùng đất có sự quyện chặt, hài hòa giữa Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên thế giới được xem là duy nhất trong khu vực Đông Nam Á…

Toàn cảnh cuộc gặp giữa AVSE Global với các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: THNB.
Toàn cảnh cuộc gặp giữa AVSE Global với các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: THNB.

Buổi làm việc giữa Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) với tỉnh Ninh Bình diễn ra chiều ngày 17/8 có sự tham dự của những nhà lãnh đạo đứng đầu tỉnh, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành và các chuyện, thành phố…

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Chia sẻ với các chuyên gia, nhà khoa học của AVSE Global, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cho biết lợi thế khác biệt của Ninh Bình với 62 tỉnh, thành phố khác của Việt Nam cũng như trong khu vực.

“Ninh Bình là vùng đất đặc biệt, có sự quyện chặt, hài hòa giữa Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận duy nhất trong khu vực Đông Nam Á”, Bí thư Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định công nghiệp văn hóa, du lịch chính là mũi nhọn để Ninh Bình đột phá cho phát triển và tăng trưởng trong tương lai.

Với quan điểm tài nguyên chính là di sản, Ninh Binh đặt mục tiêu đến năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Theo hướng này, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất từ nâu sang xanh; thu hút chọn lọc, phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, tỉnh đang từng bước chuyển từ nền kinh tế khai thác tài nguyên di sản thô sang nền kinh tế thâm dụng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao.

Mặc dù, đã rất nỗ lực mở thêm nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách trong thời gian qua nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, các sản phẩm này vẫn dựa trên khai thác tài nguyên di sản thô (tour chèo thuyền, tham quan điểm đến mới…) mà thiếu những sản phẩm kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch với khoa học công nghệ để tạo bản sắc riêng có cho du lịch Ninh Bình.

“Trong khi tài nguyên của Ninh Bình là di sản thì khoa học công nghệ lại chưa được ứng dụng để phát lộ tài nguyên di sản. Kinh tế Ninh Bình vẫn “bó quanh” du lịch truyền thống mà chưa có công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo để giúp tỉnh vượt ngưỡng phát triển”, Bí thư Ninh Bình cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh tài nguyên của Ninh Bình là di sản vì vậy các chính sách phát triển của Ninh Bình phải dựa trên khai thác lợi thế này. Ảnh: THNB.
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh tài nguyên của Ninh Bình là di sản vì vậy các chính sách phát triển của Ninh Bình phải dựa trên khai thác lợi thế này. Ảnh: THNB.

Về nông nghiệp, Ninh Bình có chủ trương chuyển sang nông nghiệp đô thị, nông nghiệp đa giá trị nhằm rút ngắn khoảng cách giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Theo hướng này, ông Đoàn Minh Huấn cho rằng nông nghiệp không cần phải tạo ra nhiều sản phẩm vật chất mà phải gắn với phát triển du lịch và tạo ra nguồn thu từ giá trị tinh thần và giá trị phi vật chất thông qua những câu chuyên di sản thông qua “4 hóa”, bao gồm: tài sản hóa di sản, bảo tàng hóa di sản, phim trường hóa di sản và công viên hóa di sản.

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ, các ý kiến tham vấn, kết nối của các chuyên gia, nhà khoa học để Ninh Bình từng bước hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm phát triển chiến lược, bền vững của tỉnh.

PHÁT TRIỂN DỰA TRÊN 4 YẾU TỐ D-I-N-H

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi, bứt phá, ấn tượng của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa.

“Cách đây 2-3 chục năm, Ninh Bình gắn với 3B là bụi, bẩn và buồn. Nhưng giờ đây, Ninh Bình đã thay đổi và trở thành bức tranh sống, bảo tàng sống với quyết tâm phát triển mạnh mẽ. Với những thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa sẽ là nền tảng vững chắc để Ninh Bình bước vào chu kỳ phát triển mới nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Khương nhấn mạnh.

Trước những bài toán đặt ra, Chủ tịch AVSE Global cũng gợi mở một số nội dung xoay quanh câu chuyện chuyển đổi hình thức sản xuất từ nâu sang xanh, câu chuyện chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình xã hội, chuyển đổi mô hình dân số để xây dựng Ninh Bình trở thành hình mẫu dẫn dắt cho sự phát triển bền vững, trách nhiệm trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global gợi mở một số nội dung xoay quanh câu chuyện chuyển đổi hình thức sản xuất từ nâu sang xanh. Ảnh: THNB.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global gợi mở một số nội dung xoay quanh câu chuyện chuyển đổi hình thức sản xuất từ nâu sang xanh. Ảnh: THNB.

Cụ thể hơn, đại diện nhóm nghiên cứu AVSE Global, TS. Đinh Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Tri thức và Dự án tại AVSE Global, đồng thời là Giám đốc Tài chính Pháp, Dịch vụ Tài chính và Đầu tư, Ngân hàng BNP Paris, đã đề xuất chiến lược phát triển cho Ninh Bình thời gian tới dựa trên 4 yếu tố gồm D (Digitalization – Số hóa), I (Innovation – Sáng tạo), N (Nature & Heritage – Thiên nhiên & Di sản) và H (Human – Con người).

Theo đó, với định vị là một thành phố văn hóa, thiên nhiên của thế giới, các chuyên gia của AVSE cho rằng Ninh Bình cần đặc biệt chú trọng việc khai thác các giá trị văn hóa, thiên nhiên theo hướng đi sâu về chất lượng, các công trình, dự án mang tính biểu tượng. Cùng với đó, xây dựng tiêu chuẩn giảm thiểu khí thải carbon, phát triển du lịch Net Zero và xây dựng tỉnh là một trung tâm tổ chức sự kiện trong nước và quốc tế, trở thành nơi trao đổi văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới…

Dẫn câu chuyện thành công của Kyoto (Nhật Bản), bà Trần Tuệ Tri, Cố vấn cao cấp Dự án Vietnam Brand Purpose, cho rằng Ninh Bình có cơ hội để vươn tầm du lịch quốc tế, điều mà ở thời điểm này không nhiều quốc gia đang phát triển có thể làm được.

“Ninh Bình có thể kể câu chuyện về phát triển di sản thiên nhiên bền vững dựa trên những lợi thế sẵn có. Nhưng để kể câu chuyện này, Ninh Bình cần con người trong lĩnh vực bảo tồn và di sản. Tuy vậy, ở Việt Nam, mới có hơn 7.000 nhân lực, quá ít so với nhu cầu của cả nước. Vì vậy, tỉnh có thể chủ động đào tạo nhân lực cho ngành di sản”, chuyên gia thương hiệu Trần Tuệ Tri nói.

Còn theo bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, Ninh Bình cần quan tâm phát huy hơn nữa vai trò của mỗi người dân, của cộng đồng trong phát triển du lịch xanh, du lịch chất lượng cao.

“Phát triển du lịch của Ninh Bình không thể dựa vào vốn vì không thể đua được với thế giới. Vậy Ninh Bình cạnh tranh thế nào? Chỉ có thể dựa trên những gì tỉnh đang có cộng thêm các yếu tố về đổi mới sáng tạo và con người. Thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam có nhưng “điểm chạm” của địa phương ít nên không níu giữ được du khách. Di sản đời sống mới là yếu tố hút khách”, bà Hương nêu quan điểm.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, rất giá trị với đa dạng các góc nhìn khác nhau từ các chuyên gia, nhà khoa học, các văn nghệ sỹ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, trong thời gian tới sẽ nhận được báo cáo tổng hợp các ý kiến, đóng góp, tham vấn của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu.

“Tỉnh Ninh Bình với tinh thần cầu thị sẽ nghiên cứu để triển khai áp dụng phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, mong muốn sẽ nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thường xuyên của Tổ chức AVSE Global, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng thành phố sáng tạo”, Bí thư khẳng định.