15:27 10/04/2025

Chính sách tiền tệ của Việt Nam trước biến động tài chính toàn cầu

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

Rạng sáng hôm nay (10/4 giờ Việt Nam), Mỹ công bố áp thuế 125% với hàng nhập khẩu Trung Quốc, đẩy cuộc chiến thương mại và tiền tệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào vòng xoáy phiêu lưu. Với những nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, đây là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để Việt Nam tái định vị chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại để độc lập hơn đối với các nền kinh tế lớn...

Cuộc chiến thuế quan leo thang kể từ ngày 3/4/2025 với những đợt trả đũa liên tục khiến mức thuế đối ứng mà Trung Quốc và Mỹ áp lên hàng hoá của 2 bên đã lên tới hơn 125%. Căng thẳng đến mức ngoài thuế, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) để đáp trả Mỹ. Động thái này của Trung Quốc có thể dẫn đến biến động trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời đặt ra thách thức đối với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

VIỆT NAM BỊ ẢNH HƯỞNG KHÔNG NHỎ

Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, các nước láng giềng như Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó kéo theo những rủi ro về lạm phát, nợ công cũng như bất ổn đối với hệ thống tài chính. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động của chiến tranh thương mại – tiền tệ lần này từ nhiều góc độ chứ không chỉ tập trung vào việc "chiều lòng" Mỹ như một cường quốc duy nhất trên thế giới. Dù là nền kinh tế lớn nhất, Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Thực tế, chính sách “nước Mỹ trên hết” dưới thời ông Trump gặp phải nhiều phản ứng trái chiều, không chỉ từ cộng đồng quốc tế mà còn từ chính người dân Mỹ, do mang tính áp đặt cao và thiếu tôn trọng các đối tác, kể cả những đồng minh thân cận lâu năm của họ. Trong bối cảnh này, không chỉ Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội từ chính sách đối đầu của Trump mà các quốc gia khác cũng có cơ hội tái định vị.

Mỹ đang gây sức ép buộc các tập đoàn FDI rút vốn khỏi châu Á và trở về nội địa. Tuy nhiên, vấn đề là Mỹ không có đủ nhân lực và chi phí để thay thế toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt trong những lĩnh vực như dệt may, điện tử, lắp ráp. Chính sách của ông Trump đi ngược lại nguyên lý lợi thế so sánh của Ricardo – một lý thuyết kinh tế đã làm nên thời kỳ toàn cầu hóa thịnh vượng.

Bên cạnh đó, thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi, đặc biệt là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Nhóm này hiện chiếm 45% dân số và 30% diện tích toàn cầu, với hai ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự phát triển mạnh mẽ của BRICS đang tạo ra một đối trọng kinh tế và tài chính đáng kể đối với Mỹ và các đồng minh.

 

Tái cấu trúc nền kinh tế được ví như thay động cơ của một vật thể đang chuyển động. Do đó, cần sự chính xác, cẩn trọng và một lộ trình rõ ràng. Việt Nam cần chấp nhận hy sinh một phần tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn để tạo nền tảng cho một cấu trúc kinh tế bền vững. 

Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước BRICS đã tăng cường mua vàng dự trữ thay vì sử dụng đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối, thúc đẩy xu hướng "phi đô la hóa" trên toàn thế giới. Việc các quốc gia Trung Đông tham gia BRICS và chấp nhận thanh toán dầu mỏ bằng các đồng tiền khác cũng đặt ra thách thức lớn đối với vị thế của đồng USD trong thanh toán quốc tế.

 Việc Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ để duy trì sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ, đang tạo ra một cú hích trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ hơn và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, sẽ phải đối diện với những thách thức không nhỏ. Việt Nam sẽ phải đưa ra các chiến lược phù hợp để đối phó với biến động về tỷ giá và cung tiền, nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động tiêu cực từ các biến động này

ÁP LỰC TỶ GIÁ VÀ CUNG TIỀN

Việc Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ đặt Việt Nam trước áp lực phải duy trì năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Nếu không có những điều chỉnh tỷ giá phù hợp, sản phẩm của Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa Trung Quốc, nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn. Tác động này đặc biệt rõ nét ở các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử và thủy sản là những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao, dễ bị tổn thương trước thay đổi về chi phí, giá bán.

Nguồn: VnEconomy cập nhật từ Bloomberg.
Nguồn: VnEconomy cập nhật từ Bloomberg.

Bên cạnh đó, phá giá đồng nhân dân tệ cũng có thể kéo theo các hệ lụy không mong muốn đối với kinh tế Việt Nam. Nếu Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá mạnh để ứng phó, điều này có thể tạo ra áp lực lên lạm phát, làm gia tăng chi phí nhập khẩu và ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước. Về dài hạn, nợ công cũng có thể bị ảnh hưởng do phần nợ ngoại tệ tăng lên về giá trị quy đổi, từ đó đặt ra những yêu cầu mới trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa một cách thận trọng và linh hoạt hơn.

Do đó, Việt Nam cần theo đuổi một chiến lược điều hành tỷ giá linh hoạt. Việc theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trong khu vực, sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh kịp thời nhằm cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Đồng thời, chính sách tiền tệ cần tiếp tục đi theo hướng kiểm soát cung tiền một cách hợp lý, kết hợp linh hoạt các công cụ như lãi suất, thị trường mở hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Một trụ cột quan trọng khác là việc tăng dự trữ ngoại hối để củng cố niềm tin thị trường và nâng cao khả năng can thiệp khi cần thiết. Song song với đó, việc đa dạng hóa đồng tiền thanh toán quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào USD sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá trong dài hạn.

TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ, KHÔNG THAM VỌNG TĂNG TRƯỞNG NGẮN HẠN

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, Việt Nam cần xây dựng các chiến lược toàn diện nhằm bảo vệ nền kinh tế và chủ động ứng phó với những biến động toàn cầu. Về thương mại, Việt Nam có thể tăng cường đàm phán và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP hay RCEP. Những hiệp định này không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn cao hơn, từ đó nâng tầm giá trị. 

 

Một chính sách thương mại linh hoạt, gắn với chiến lược hội nhập sâu rộng và có chọn lọc, kết hợp với điều hành tiền tệ thận trọng, hiệu quả sẽ là nền tảng để Việt Nam vượt qua sóng gió, chuyển hóa thách thức thành động lực và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất cũng là hướng đi cần thiết. Khi cạnh tranh bằng chi phí lao động ngày càng trở nên kém bền vững, Việt Nam cần chuyển hướng sang các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao hơn như công nghệ, dược phẩm hay sản phẩm công nghiệp xanh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong khu vực ASEAN sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc Mỹ, tạo điều kiện cho phát triển ổn định thông qua mở rộng liên kết nội khối và đa dạng hóa thị trường. Về vấn đề này, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã nhìn rất rõ vấn đề bằng việc sớm ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 57. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cạnh tranh thương mại – công nghệ diễn ra quyết liệt, tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu mang tính tất yếu. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình có thể tiến hành trong thời gian ngắn. Tái cấu trúc nền kinh tế được ví như thay động cơ của một vật thể đang chuyển động. Do đó, cần sự chính xác, cẩn trọng và một lộ trình rõ ràng. Việt Nam cần chấp nhận hy sinh một phần tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn để tạo nền tảng cho một cấu trúc kinh tế bền vững và hiệu quả hơn trong dài hạn. Điều này bao gồm việc dịch chuyển dần khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công, để hướng đến một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có năng suất cao và giá trị gia tăng lớn hơn.

Trong quá trình đó, ổn định vĩ mô phải là mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Bởi chỉ khi giữ được niềm tin vào nền kinh tế, Việt Nam mới có thể duy trì được dòng vốn đầu tư dài hạn, cả trong nước lẫn từ bên ngoài. Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là những điều kiện không thể thiếu cho quá trình tái cơ cấu này.

Cuộc chiến thương mại và tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn tạo ra những thách thức không nhỏ cho một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái định vị chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại và giảm thiểu sự lệ thuộc vào các nền kinh tế lớn.