13:23 09/01/2023

Chuyên gia: "Khối ngoại mua ròng rồi cất đi cũng khiến thanh khoản giảm, VN-Index chỉ tăng khi cá nhân nhập cuộc"

Kiều Linh

Nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột. Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi tăng mạnh trong tháng 12/2022, thanh khoản thị trường đã yếu đi rõ rệt trong những ngày đầu năm 2023. Thống kê cho thấy, riêng trên HoSE, giá trị giao dịch trung bình một phiên trong vòng một tuần qua giảm chỉ còn 8.000 tỷ đồng; trong vòng 10 ngày qua con số này là 7.600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trong tháng 12 đạt 12 nghìn tỷ đồng/phiên.

BA LÝ DO KHIẾN THANH KHOẢN BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

"Ba lý do khiến thanh khoản thị trường kém như hiện tại và dự báo những yếu tố này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết quý 1/2023", ông Nguyễn Nhật Khánh, Chuyên gia đầu tư cơ bản nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt sóng" do FinPeace tổ chức cuối tuần qua.

Một là tiền đang tạm thời bị "chôn" ở những kênh không tạo hiệu quả cho nền kinh tế, như một số dự án bất động sản không thể triển khai. Hai là lạm phát ở Việt Nam có độ trễ so với lạm phát ở Mỹ khoảng một đến hai quý, lạm phát trong nước năm 2022 đã được kiểm soát tốt dưới 4%, tuy nhiên lạm phát lõi (core inflation, lạm phát không tính đến các ngành hàng có tính biến động lớn) vẫn đang trên đà tăng, do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn phải duy trì lãi suất cao để hút tiền về chống lạm phát.

Ba là việc FED tăng lãi suất sẽ gây ra hiệu ứng dòng vốn chảy ngược về Mỹ, các thị trường khác trong đó có Việt Nam phải chống lại điều này bằng cách tăng lãi suất, giúp đồng Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn và ngăn nhà đầu tư nước ngoài bán đồng Việt Nam lấy USD, điều này vô hình trung đã gây áp lực lên thanh khoản thị trường.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản cho rằng, thanh khoản chưa thể cải thiện ít nhất từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 6/2023, bởi lãi suất sẽ chưa thể sớm đảo chiều giảm. Yếu tố kỳ vọng duy nhất trong thời điểm hiện tại là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bù đắp cho tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản.
Ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản.

Dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột. Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng. Tuy điều này khó xảy ra trong nửa đầu năm, song sau quý 2 tới đây bối cảnh có thể sẽ đảo ngược.

"Kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường cho thấy, sau các cú sập thị trường đều đi lên mạnh mẽ hơn. Dù vậy, thanh khoản năm 2023 sẽ khó vượt năm 2022 với giá trị giao dịch trung bình dưới 14.000-15.000 tỷ đồng. Rất khó có chuyện thị trường bùng nổ mà chỉ là những con sóng phục hồi", vị này nhấn mạnh.

CẦN THEO DÕI YẾU TỐ NÀO TRONG NĂM 2023?

Nhận định về thị trường năm 2023, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB, nhà đầu tư cần theo dõi 2 chỉ số vĩ mô quan trọng là chính sách tài khoá Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, có 3 dấu hiệu để nhận biết sự đảo chiều của chính sách tiền tệ. Thứ nhất, chỉ báo muộn nhất là mặt bằng lãi suất giảm, bởi khi lãi suất chính thức giảm thì thì thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng vào giá. Thứ hai, động thái mua vào dự trữ ngoại hối của NHNN, tức mua đô la vào và bán tiền đồng ra ngoài. Thứ ba, chỉ báo sớm nhất và cũng mang tính rủi ro cao nhất là nhìn vào đà giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế, bởi khi đó tỷ giá sẽ hạ nhiệt và NHNN bắt đầu mua dự trữ ngoại hối.

Đối với dòng vốn ngoại, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tục gần đây vì điều kiện vĩ mô ổn định cùng định giá hấp dẫn là yếu tố kích hoạt đà mua ròng mạnh mẽ. Đà mua ròng của khối ngoại có mất đi trong năm 2023 thì cần nhìn vào 2 yếu tố: thị trường chứng khoán tăng lại và lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh khiến P/E thị trường tăng cao, định giá giảm.

"Mặc dù vẫn còn một số yếu tố rủi ro, nhưng chưa có rủi ro nào cho thấy dòng vốn ngoại có thể rời bỏ thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ổn định, Việt Nam vẫn điểm sáng trong khu vực trong khi một số nước trong Âu Châu đối diện nguy cơ suy thoái cao. Dù vậy, cần theo dõi về việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc, bởi điều này có thể khiến dòng vốn chuyển dịch", ông Đức Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace lại cho rằng VN-Index có thể gặp nhiều biến động bất ngờ về giá trong ngắn hạn, song vẫn sẽ có cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư kỷ luật và nhanh nhạy với thị trường chứng khoán.

Thanh khoản thị trường hiện tại đang thấp so với đỉnh cao năm 2021 đầu 2022. Điều này cho thấy nhu cầu bán đã giảm thấp. Định giá giá trị tài sản bên bán đã coi đây là vùng giá hợp lý, tuy nhiên bên mua chưa thể hiện nhu cầu ở mức giá hiện tại.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace l
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace l

Dự báo VN-Index có thể giảm điểm nhằm tiếp cận vùng giá cổ phiếu rẻ hơn vào quý 1 và đầu quý 2, những điều chỉnh này sẽ diễn ra rất nhanh trước khi quay trở lại vùng giá hợp lý. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có phương pháp, kỷ luật và phản ứng nhanh nắm bắt cơ hội.

Cụ thể, giai đoạn 5 tháng đầu năm, tức là cho đến sau kỳ đại hội cổ đông của 2023, thị trường sẽ trong xu hướng đi ngang. Tất nhiên, có thể sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp “rớt đài, thủng đáy” trong tháng 4, tháng 5 do nhiều nhà đầu tư thất vọng về kết quả của việc họp đại hội cổ đông.

Ngược lại, sẽ có những doanh nghiệp rất kỳ vọng vào đại hội cổ đông, các doanh nghiệp sẽ đưa ra được chiến lược mới, để lấy được thị phần.

"Việc các chủ doanh nghiệp xuất hiện trong đại hội cổ đông và thể hiện được uy lực công ty có thể đi ngược lại thị trường chung và giành được thị phần. Đấy mới là điều tôi quan tâm, chứ không phải câu chuyện lợi nhuận quý 1 hay quý 2 có tăng trưởng hay không. Phải hiểu là nguồn gốc của tăng trưởng lợi nhuận, đến từ việc có tăng trưởng được khách hàng, hay doanh thu hay không", ông Tuấn Anh nói.

Thời điểm một sóng tăng điểm trở lại có thể trong khoảng từ tháng 6, tháng 7/2023. Đó cũng sẽ là thời điểm giải ngân thích hợp. Các điều kiện cần là xu hướng lãi suất được giữ ở mức ổn định, hoặc giảm. Còn điều kiện đủ thì phải dựa vào các tín hiệu từ phân tích kỹ thuật để tìm được đúng điểm mua chính xác.

"Để đón được cơ hội uptrend 2023, nhà đầu tư cần sẵn sàng tâm thế vững vàng. Cụ thể, nhà đầu tư cần hiểu rõ và định lượng được mong muốn tài chính trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xây dựng cho mình sức khỏe tài chính cá nhân tốt với tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng ổn định và sẵn sàng quỹ dự phòng trước khi đầu tư", Chủ tịch HĐQT FinPeace khuyến nghị.