09:49 06/01/2007

Chuyện không chỉ là “cái nhãn”, “cái mác”

Bùi Thanh Lam

Ngày 14/3/2007 tới, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá do Chính phủ ban hành ngày 30/9/2006 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành

Hiện các mặt hàng lưu thông trong nước không đạt yêu cầu ghi nhãn rất nhiều...
Hiện các mặt hàng lưu thông trong nước không đạt yêu cầu ghi nhãn rất nhiều...

Ngày 14/3/2007 tới, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá do Chính phủ ban hành ngày 30/9/2006 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Từ nay đến thời điểm đó chỉ còn hơn 2 tháng để các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện một khối lượng công việc rất lớn có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Để đáp ứng yêu cầu cần phải chỉnh sửa bổ sung các quy định về nhãn hàng hoá, đáp ứng đòi hỏi mới của quá trình hội nhập, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 về nhãn hàng hoá thay thế cho Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của  Thủ tướng Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất, nhập khẩu; Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 về việc điều chỉnh bổ sung một số quy định trong Quyết định 178/1999/QĐ-TTg và hơn 20 văn bản hướng dẫn của các ngành.

Được ban hành vào giai đoạn nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt các nguyên tắc, đòi hỏi, luật lệ và thậm chí là “hàng rào kỹ thuật” của các nước phát triển về nhãn hàng hoá nên Nghị định 89/2006/NĐ-CP  có nhiều nội dung thay đổi so với trước.

Vậy doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì từ Nghị định mới này?

Thứ nhất, hiệu lực thi hành của Nghị định sau 6 tháng kể từ ngày ban hành. Sở dĩ Nhà nước cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh có 6 tháng kể từ ngày Nghị định được ban hành để có thời gian lên, thực hiện các kế hoạch về nhãn hàng hoá theo các quy định về nhãn trước đây, bởi vì nhãn hàng hoá liên quan chặt chẽ đến kế hoạch kinh doanh của năm, thậm chí của nhiều năm, số lượng nhãn mác đã in, đã nằm trong các hợp đồng quảng cáo, tiếp thị...

Hơn nữa, Nghị định này có rất nhiều nội dung rất mới mẻ về xác định đối tượng hàng hoá phải ghi nhãn, vị trí ghi nhãn, kích thước nhãn, màu sắc của chữ, ký hiệu hình ảnh trên nhãn, ngôn ngữ trình bày, trách nhiệm ghi nhãn, các nội dung bắt buộc (tên hàng, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, xuất xứ hàng hoá), luật áp dụng...

Thứ hai, Nghị định 89/2006/NĐ-CP là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, thống  nhất quy định nội dung, cách ghi và quản lý Nhà nước về nhãn đối với hàng  hoá lưu thông trong nước và đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Hiện các mặt hàng lưu thông trong nước không đạt yêu cầu ghi nhãn rất nhiều (hàng thực phẩm 46%, dược phẩm 17%, mỹ phẩm 70%, hoá chất 96%...). Điều này cũng xảy ra đối với các hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Hiện tượng doanh nghiệp lúng túng, vô tình hay cố ý thực hiện, áp dụng không đúng quy định về ghi nhãn hàng hoá vẫn còn tiếp diễn, thậm chí trong số đó có cả doanh nghiệp lớn (một đại gia ngành sữa Việt Nam chẳng hạn)...

Thứ ba, hình thức, nội dung thể hiện trên nhãn hàng hoá theo Nghị định có nhiều điểm mới. Điểm mới đầu tiên là về mặt hình thức thể hiện trên nhãn hàng hoá. Trước đây, các quy định về hình thức thể hiện của nhãn  khá cứng nhắc, không tạo ra được sự chủ động, linh hoạt trong việc quảng cáo, tiếp thị hàng hoá như việc quy định về vị trí, về màu sắc của chữ, về ngôn  ngữ trình bày... Nhưng cũng có những quy định tạo ra sự tuỳ tiện, “lách luật” để cố ý hay vô ý không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin  về hàng hoá cho người tiêu dùng như việc sử dụng ngôn ngữ không phổ biến, không có gốc Latinh, việc che lấp nhãn chính bằng nhãn phụ...

Nghị  định đã đặt mục tiêu cao nhất là xác định tính trung thực của hàng hoá trong  quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường thông qua các quy định về chữ  viết, vị trí, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu... của nhãn hàng hoá phải rõ ràng và phải phản ánh được bản chất của hàng hoá.

Đồng thời, ngôn ngữ trình bày phải bằng tiếng Việt (nếu là tiếng nước ngoài thì phải nhỏ hơn  tiếng Việt và có gốc Latinh). Điều này sẽ tránh được việc ghi sai nhãn hàng hoá, sử dụng ngôn ngữ ít người tiêu dùng Việt Nam biết như  tiếng Thái, tiếng Arập... (không có gốc Latinh) hoặc việc áp dụng cứng nhắc các quy định về kích thước, màu sắc của chữ, vị trí của nhãn... như  các quy định về ghi nhãn trước đây.

Điểm mới thứ hai là về mặt nội dung và cách ghi nhãn. Theo quy định tại  Chương II Nghị định thì các nội dung bắt buộc phải ghi nhãn đối với tất cả  các loại hàng hoá là 03 (tên hàng hoá; xuất xứ hàng hoá; tên, địa chỉ của tổ  chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về hàng hoá), ngoài ra tuỳ theo tính chất  của mỗi loại hàng hoá thì còn phải thể hiện trên nhãn hàng các thông tin  khác liên quan. Nghị định đã liệt kê 49 loại hàng hoá với các nội dung cụ thể cho từng mặt hàng.

Ba nội dung bắt buộc trên được Nghị định quy định khá chi tiết, thể hiện được tính minh bạch, trung thực của hàng hoá về mọi mặt, có cả danh tiếng (xuất xứ), đồng thời cũng xác định và giới hạn được trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh hàng hoá.

Các nội dung khác cũng góp phần làm cho tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm được nâng cao hơn như các nội dung về định lượng, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản, thông tin kỹ thuật...