15:11 08/11/2007

Chuyện về những tỷ phú mới ở Trung Quốc

Kiều Oanh

Nhiều tỷ phú mới của Trung Quốc còn khá lạ lẫm với khoản tiền mà họ có được một sớm một chiều, đến nỗi họ chưa biết sẽ làm gì với số tiền đó

Jack Ma, ông chủ của Alibaba.com, một trong những tỷ phú trẻ tuổi của Trung Quốc.
Jack Ma, ông chủ của Alibaba.com, một trong những tỷ phú trẻ tuổi của Trung Quốc.
Với 415 người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên, Mỹ hiện là nước có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Ở vị trí thứ 2, ngay sát sau Mỹ, chính là Trung Quốc. Một năm trước, Trung Quốc có 15 tỷ phú, nhưng theo thống kê của tạp chí Hurun, hiện nay, con số này đã là hơn 100.

Cứ IPO là thành tỷ phú

Đa số những tỷ phú mới của Trung Quốc tạo dựng khối tài sản khổng lồ của mình dựa trên những công ty không phải là những thương hiệu quốc tế quen thuộc với thị trường thế giới.

Trong cơn sốt chứng khoán trên thị trường đại lục, các công ty tư nhân và quốc doanh của Trung Quốc đang tiến hành các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và trở nên có giá tới mức khó tin trong mắt giới đầu cơ. Có trường hợp, chỉ trong 1,2 ngày, giá cổ phiếu đã tăng tới vài lần. Hôm 5/11 là ngày đầu tiên PetroChina niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và giá trị thị trường của công ty này ngay lập tức đã tăng vọt 3 lần, vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Các nhà phân tích tỏ ra hồ nghi về cách định giá các cổ phiếu của Trung Quốc, đặc biệt là cổ phiếu của những công ty mà Chính phủ nắm giữ cổ phần lớn không được giao dịch, như PetroChina là một ví dụ. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư ở Thượng Hải, ít nhất PetroChina cũng đã tiếm ngôi công ty lớn nhất thế giới của Exxon Mobil. Tương tự, họ cũng dùng cách đánh giá này để đánh giá cổ phiếu của China Mobile – công ty viễn thông lớn nhất thế giới. ICBC - một ngân hàng quốc doanh suýt vỡ nợ một thập kỷ trước đây - còn có giá hơn cả Citigroup trong mắt giới đầu tư Trung Quốc.

Nhờ đó, chỉ cần IPO, nhiều công ty của Trung Quốc trong nháy mắt đã “vụt lớn” thành “người khổng lồ”. Khi Country Garden, một công ty bất động sản của Trung Quốc được niêm yết trên thị trường Hồng Kông vào tháng 4 vừa qua, công ty này đã huy động được nhiều vốn hơn cả mức 1,9 tỷ USD mà “đại gia” tìm kiếm trên mạng Google huy động được trong đợt IPO năm 2004. PetroChina cũng huy động được 8,9 tỷ USD trên sàn Thượng Hải hôm vừa rồi. Năm ngoái, ICBC huy động được 21 tỷ USD ở thị trường Hồng Kông.

Và ngày 6/11 vừa qua, thêm một công ty nữa là Alibaba.com - một trong những công ty trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc - cũng đã tiến hành IPO và huy động được lượng vốn ngang ngửa với Google. Sau đó, các nhà đầu cơ đã đẩy cổ phiếu của Alibaba tăng giá thêm 193% ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, khiến giá trị của công ty này vọt lên mức 26 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lập luận rằng không có gì là nền tảng cho việc giá cổ phiếu cứ tăng vùn vụt như tên lửa bay lên này. Trong một số trường hợp, tình hình tài chính thiếu minh bạch của các công ty khiến người ta không thể biết đâu là sự thật. Và nếu thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ là một quả bong bóng khổng lồ, các tỷ phú mới của nước này cũng sẽ biến mất nhanh như khi họ xuất hiện, vì phần lớn tài sản của họ được tạo ra bởi thị trường chứng khoán. Các nhà phân tích cũng áp dụng cách lập luận tương tự đối với sự phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng nóng nhất thế giới.

“Nhiều người ngạc nhiên về sự xuất hiện nhanh chóng của những tỷ phú Trung Quốc mới. Nhưng đó sức mạnh của thị trường vốn. Tài sản của nhiều người dựa trên những công ty mới được niêm yết”, Jing Ulrich, một nhà phân tích tại JPMorgan nói.

Giàu nhưng ít nổi tiếng

Không giống như những tỷ phú người Mỹ, các tỷ phú Trung Quốc là những người ít được biết tới, thậm chí ngay chính tại Trung Quốc. Gates, Buffett và Brin là những cái tên nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng những cái tên Yang, Guo và Zhang thì hoàn toàn trái ngược

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích việc những tỷ phú người Trung Quốc này là ai và việc họ quyết định hay cho phép làm gì thông qua tiền và ảnh hưởng lớn của họ sẽ có những tác động không hề nhỏ về mătk kinh tế và chính trị. Nhận định về những tỷ phú mới của Trung Quốc, Chang Chun, một nhà kinh tế tại trường kinh doanh quốc tế China Europe ở Thượng Hải, nói: “Họ có thể mua những công ty ở Mỹ. Họ có ảnh hưởng rất lớn”.

Nhưng cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng, nhiều tỷ phú mới của Trung Quốc còn khá lạ lẫm với khoản tiền mà họ có được một sớm một chiều, đến nỗi họ chưa biết sẽ làm gì với số tiền đó, với giả định số tiền này sẽ tồn tại lâu dài với họ.

Việc có nhiều tỷ phú là niềm tự hào, nhưng cũng là một mối lo của Trung Quốc. Thu nhập bình quân đầu người của nước này hiện còn chưa đầy 1.000 USD/người/năm. “Ổn định xã hội là một vấn đề. Ở Mỹ Latin, sự tập trung của cải như vậy đã dẫn tới những cuộc cách mạng để phân chia lại của cải”, Emmanuel Saez, một giáo sư kinh tế tại Đại học California nói. Có lẽ vì lý do này mà nhiều doanh nhân giàu có của Trung Quốc không muốn lọt vào danh sách những người giàu nhất. Trước đây, việc họ “bị” lọt vào những danh sách như vậy thường dẫn tới kết quả là họ phải chịu sự giám sát không mong muốn, bao gồm những cuộc điều tra về trốn thuế hay tham nhũng.

Trong số những tỷ phú mới của Trung Quốc, những người được ca ngợi nhiều nhất có lẽ là những tỷ phú Internet trẻ tuổi. Trong số này có Robin Li, người sáng lập 38 tuổi của Baidu, trang web được coi là Google của Trung Quốc, hiện có tài sản khoảng 2,4 tỷ USD, vượt cả tài sản của Jerry Yang - người sáng lập Yahoo. Ngoài ra còn có Ma Huateng, 36 tuổi, ông chủ của Tencent, một công ty Internet lớn khác, có tài sản là 1,9 tỷ USD, và Jason Jiang, người sáng lập 34 tuổi của Focus Media, cũng có tài sản 1,1 tỷ USD.

Jiang lớn lên ở Thượng Hải và theo học ngành văn học trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh. Anh cho biết đã khởi nghiệp bằng nghề bán quảng cáo ở Thượng Hải và vào năm 1997, anh thành lập Focus Media với ý tưởng thay thế các quảng cáo phát triển màn hình video trong các thang máy, nhà chung cư, siêu thị và thậm chí cả trên các góc phố. Với sự giúp đỡ của Goldman Sachs và Credit Suisse, Focus Media đã tiến hành IPO vào năm 2005 tại sàn Nasdaq của Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm, giá cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 8 lần.

Nhưng ít nhất cho tới lúc này, chính sự tham vọng chứ không phải là tiền bạc, là động cơ của anh. “Tôi muốn công ty này trở thành tập đoàn truyền thông lớn nhất trên thế giới. Tôi muốn Focus Media là một phần của thế giới.” Jiang cho biết, anh làm việc từ 8h sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau mà không cảm thấy mệt và không còn thời gian cho bất kỳ việc gì khác, kể cả việc tiêu tiền. Hiện anh vẫn độc thân và ăn cơm hộp với giá 2,5 USD ngay tại bàn làm việc vào mỗi buổi trưa. “Tôi nghĩ, với những doanh nhân thành đạt ở Trung Quốc, điều này là phổ biến”, anh nói.

Rupert Hoogeweft, người thực hiện báo cáo của Hurun, cho biết 6 trong số 10 người phụ nữ giàu nhất thế giới tự mình làm ra tài sản là người Trung Quốc. Trong đó có Zhang Yin, người sáng lập công ty Nine Dragons Paper. Công ty của bà chuyên mua giấy phế liệu từ Mỹ và sản xuất thành hộp giấy tại Trung Quốc.

Người hiện ở vị trí giàu nhất Trung Quốc cũng là một phụ nữ. Đó là Yang Huiyan, 26 tuổi, một cổ đông của công ty bất động sản Country Garden. Cô gái trẻ đã tốt nghiệp Đại học Ohio ở Mỹ này hiện có tài sản khoảng 16 tỷ USD, giàu hơn cả George Soros, Rupert Murdoch và Steve Jobs. Cha của Yang là một nhà đầu tư bất động sản và đã cho cô phần lớn lượng cổ phiếu của Country Garden mà ông có ngay trước khi công ty này IPO ở Hồng Kông.

Nhưng trong số 15 tỷ phú mà tác giả bài viết này liên lạc để phỏng vấn, chỉ có Jason Jiang là đồng ý để được phỏng vấn. Theo bạn bè của những tỷ phú này, họ muốn che giấu sự giàu có của mình. Họ thường đi mua sắm bí mật và thậm chí còn khoe với mọi người việc họ cắt tóc với giá 2 USD.

Sự xuất hiện của lớp tỷ phú mới ở Trung Quốc là đáng chú ý, không chỉ bởi Trung Quốc mới chỉ mở cửa 25 năm trước đây, mà còn vì sự xuất hiện của lớp tỷ phú này không cần đến sự giúp đỡ của một nhãn hiệu toàn cầu như Sony hay Toyota. Nhật Bản có những thương hiệu toàn cầu nhưng mới chỉ có 24 tỷ phú. Trên thực tế, phần lớn những người giàu nhất Trung Quốc chỉ kinh doanh dựa vào thị trường trong nước, thay vì thị trường bên ngoài. Và đó chính là thử thách tiếp theo của những tỷ phú này.

(Theo IHT)