08:20 01/07/2015

Cơ chế đặc thù xây đô thị dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài

Bảo Anh

UBND thành phố Hà Nội dự kiến nhu cầu đầu tư cho xây dựng hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng xây dựng khu Nhật Tân - Nội Bài là 33.000 tỷ đồng

Theo đề án, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng,
 cùng với cầu Nhật Tân tạo nên kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và 
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đề án, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với cầu Nhật Tân tạo nên kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
“Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội”.

Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về báo cáo một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội, do Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội trình bày tại phiên họp Chính phủ ngày 30/6.

Theo đề án, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với cầu Nhật Tân tạo nên kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Việc tổ chức đầu tư thực hiện theo quy hoạch khi hoàn thành sẽ tạo nên điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực Bắc sông Hồng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nhu cầu đầu tư cho xây dựng hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu Nhật Tân - Nội Bài là 33.000 tỷ đồng, trong đó kết cấu hạ tầng khung dự kiến là 22.200 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng dự kiến là 10.800 tỷ đồng.

Hiện tại, nguồn vốn ngân sách của Hà Nội không có khả năng cân đối đáp ứng nhu cầu đầu tư nêu trên.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng để đầu tư hệ thống hạ tầng khung và các dự án phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài đồng bộ, hiện đại và dự kiến có thể hoàn thành vào năm 2025, việc xây dựng cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng xem xét phê duyệt là cần thiết làm căn cứ triển khai thực hiện quy hoạch.

“Việc đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội. Tôi rất đồng tình với quan điểm cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển dự án đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội.

Bản chất của cơ chế, chính sách đặc thù này là làm sao lấy tiền từ quỹ đất hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài để phát triển hạ tầng tiếp theo, đây là định hướng đúng và hoàn toàn khả thi.

“Không phải cơ chế đặc thù là lấy ngân sách để đầu tư, tinh thần là phải lấy nó nuôi nó”, Thủ tướng nói.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trao đổi, tháo gỡ, xử lý những vấn đề cụ thể theo các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành được Văn phòng Chính phủ tổng hợp liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài trong đó có công tác giải phóng mặt bằng; bố trí, xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; việc xác định giá đất; thẩm quyền phê duyệt dự án;…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.