16:53 08/10/2021

Cổ đông HDBank đã nhận cổ tức 25% năm 2020 bằng cổ phiếu

Khánh Huyền

Ngày 4/10 HDBank đã hoàn thành đăng ký niêm yết bổ sung 398,4 triệu cổ phiếu này và từ ngày 15/10 cổ phiếu phát hành thêm sẽ chính thức được giao dịch...

Trong 9 tháng đầu năm, vượt lên ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động kinh doanh của HDBank vẫn diễn ra sôi nổi và tích cực, kiểm soát tốt mọi rủi ro và duy trì hoạt động liên tục.
Trong 9 tháng đầu năm, vượt lên ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động kinh doanh của HDBank vẫn diễn ra sôi nổi và tích cực, kiểm soát tốt mọi rủi ro và duy trì hoạt động liên tục.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank - mã chứng khoán HDB) vừa hoàn tất chi trả cổ tức năm 2020. Trước đó, ngày 27/8, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 tỷ lệ 25%.

Theo phương án phân phối lợi nhuận được phê duyệt, HDBank phát hành 398,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định. Sau khi hoàn tất việc phát hành trả cổ tức, vốn điều lệ của HDBank hiện đạt trên 20.073 tỷ đồng.

Ngày 4/10 HDBank đã hoàn thành đăng ký niêm yết bổ sung 398,4 triệu cổ phiếu này và từ ngày 15/10 cổ phiếu phát hành thêm sẽ chính thức được giao dịch.

Với hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao và bền vững, HDBank luôn chia cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Mới đây, nhà băng này công bố ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm dịch vụ với một loạt đơn vị trong hệ sinh thái, mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích vượt trội. Đây cũng là dư địa lớn để đa dạng hóa nguồn thu nhập, đặc biệt từ phí dịch vụ, bancassurance, thẻ tín dụng…góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Trong 9 tháng đầu năm, vượt lên ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động kinh doanh của HDBank vẫn diễn ra sôi nổi và tích cực, kiểm soát tốt mọi rủi ro và duy trì hoạt động liên tục. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1%. Nợ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và nợ tái cơ cấu tiếp tục được kiểm soát tốt. Ngân hàng cũng chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, sẵn sàng ứng phó mọi rủi ro có thể phát sinh.

An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel 2) đạt 13%. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với nhiều giải pháp tự động hóa quy trình vận hành. Lãi ròng trên bình quân vốn chủ sở hữu (ROE) ước đạt gần 24%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, tính đến ngày 31/08/2021, HDBank đã ghi nhận dư nợ cho vay gần 13.500 tỷ đồng tài trợ cho các dự án xanh. Đáng chú ý, đây đều là các dự án mà HDBank chú trọng “xanh hóa” tín dụng, thực hiện chủ trương của đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN) và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, song song với nỗ lực giảm thiểu các tác động đến môi trường, chống biến đổi khí hậu.