10:55 08/12/2022

Cổ động viên World Cup trở thành “trọng tài VAR” trên khán đài như thế nào?

Tuệ Mỹ

Có thể khẳng định một điều, World Cup 2022 chính là một trong những sự kiện thể thao được áp dụng nhiều công nghệ mới nhất hiện nay. Từ công nghệ điều hòa nhiệt độ tiên tiến giúp làm mát sân vận động, cho tới chip cảm biến siêu nhạy vào bên trong trái bóng chính thức… đều mang tới những trải nghiệm chưa từng có...

Ảnh: PetaPixel
Ảnh: PetaPixel

VAR lần đầu được triển khai tại World Cup 2018 nhưng cũng là một trong những tranh cãi lớn nhất ở giải đấu. Công nghệ giúp trọng tài đưa ra quyết định chính xác hoặc sửa sai thông qua video quay chậm. Tuy nhiên, cách can thiệp của trọng tài trong nhiều tình huống, bỏ qua lỗi hay xác định một tình huống nhạy cảm, vẫn là chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo giới.

Tại Qatar năm nay, cả 8 sân vận động sẽ có tối thiểu 42 camera và tổ trọng tài VAR có quyền truy cập vào tất cả hệ thống. Trong số này có 8 camera hỗ trợ phát lại chuyển động siêu chậm và 4 trong số đó là cực chậm. Một nhóm VAR gồm 8 người bao gồm 4 trọng tài mặc áo xanh và 4 thành viên hỗ trợ. Thế hệ VAR được sử dụng tại Qatar vô cùng tân tiến nên chắc chắn sẽ có nhiều quyết định của trọng tài nhờ VAR khiến các khán giả phải "đứng hình" không hiểu điều gì đã xảy ra. Các khán giả sẽ có nhiều cơ hội "không tin vào mắt mình" với các tình huống xảy ra trên sân – ví dụ như bàn thắng không được công nhận trong trận mở màn World Cup.

Tuy nhiên, câu hỏi mà các cổ động viên đặt ra là, VAR có thể bị thao túng không? Vẫn có thể. Vì hệ thống là bán tự động, cần phải con người xử lý sau đó nữa. Các trọng tài trong phòng VAR là người quyết định đầu tiên, trọng tài trên sân là người quyết định cuối cùng. Nếu trọng tài VAR cố lờ đi một pha bóng nào đó quan trọng ở vòng bán kết hoặc trận chung kết, cục diện trận đấu có thể đổi khác. Nên để minh bạch hơn, dữ liệu tới phòng VAR cần phải chạy song song tới một tổ chức kiểm toán độc lập để họ theo dõi, kiểm tra chéo.

FIFA cho biết chỉ những người trực tiếp theo dõi các trận đấu mới có thể truy cập tính năng AR. 
FIFA cho biết chỉ những người trực tiếp theo dõi các trận đấu mới có thể truy cập tính năng AR. 

Theo Engadget, những người hâm mộ đang có mặt tại Qatar để theo dõi giải đấu World Cup 2022 cũng sẽ có khả năng theo dõi những số liệu thống kê về cầu thủ, thậm chí có thể kiểm tra VAR y như một trọng tài vậy. Theo đó, ứng dụng FIFA+ hiện có tính năng thực tế tăng cường (AR) cho phép người hâm mộ bóng đá xem được các lượt phát lại VAR và các góc máy quay trên sân cỏ, tính năng này có tên FIFA+ Stadium Experience.

FIFA cho biết chỉ những người trực tiếp theo dõi các trận đấu mới có thể truy cập tính năng AR. Cách sử dụng tính năng này cũng khá đơn giản, khi người dùng chỉ cần bật ứng dụng FIFA+ trên điện thoại của mình, hướng camera về phía sân thi đấu. Một giao diện phụ sẽ hiện lên, cho phép bạn có thể chạm nhẹ vào bất kì cầu thủ nào trên sân (đang hiện trên màn hình điện thoại) để theo dõi thông tin như tên, số áo, hay các chỉ số như tốc độ di chuyển, quãng đường di chuyển, hay bản đồ nhiệt của mỗi cầu thủ theo thời gian thực.

Việc ứng dụng FIFA+ Stadium Experience cũng cung cấp tùy chọn xem lại VAR trên điện thoại của khán giả sẽ có thể giúp họ hiểu hơn về những tình huống khó nắm bắt trong trận đấu. Chẳng hạn như tình huống bước ngoặt của trận đấu giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha, khi trọng tài Victor Miguel de Freitas Gomes công nhận bàn thắng của Ao Tanaka ở phút 54. Điểm tranh cãi là khoảnh khắc Kaoru Mitoma thực hiện đường chuyền quyết định. Các góc quay truyền hình khiến khán giả nghĩ rằng quả bóng đã đi qua vạch cuối sân. Dù vậy, sau khi tham khảo VAR, trọng tài Gomes quyết định công nhận bàn thắng cho đội tuyển Nhật Bản. Ông xác định quả bóng vẫn chưa hoàn toàn lăn qua đường biên ngang cuối sân. Do đó, pha ghi bàn của cầu thủ Nhật Bản là hợp lệ. 

Nhiều góc nhìn cho thấy trái bóng dường như đã đi ra khỏi đường biên, nhưng "trọng tài VAR" đã kiểm tra và công nhận bàn thắng hợp lệ.
Nhiều góc nhìn cho thấy trái bóng dường như đã đi ra khỏi đường biên, nhưng "trọng tài VAR" đã kiểm tra và công nhận bàn thắng hợp lệ.

Các khán giả ngồi trên khán đài khi đó đã xôn xao tranh cãi. Tuy nhiên, khi một số cổ động viên sử dụng FIFA+ Stadium Experience để kiểm tra lại các góc máy, họ thấy rằng hình chiếu đứng của quả bóng có thể vẫn còn "dính" một chút trên vạch biên cuối sân. Theo luật, pha bóng này sẽ không được tính là bóng ra ngoài cuộc và các cầu thủ vẫn có thể tiếp tục tình huống chơi bóng hợp lệ.

Đây là khoảnh khắc mang tính then chốt đối với cục diện bảng E World Cup 2022. Do đó, có thể nói, việc có tùy chọn xem phát lại VAR trên điện thoại có thể giúp người hâm mộ có mặt hiểu rõ được quyết định của trọng tài trong một số tình huống nhất định, đặc biệt nếu họ bỏ lỡ các pha quay chậm trên màn hình lớn của sân.

Trong một video do ESPN đăng trên Instagram mới đây, một người dùng đã cài FIFA+, sau đó hướng camera xuống sân vận động và thấy thông tin cầu thủ thi đấu hiển thị qua công nghệ AR khá trực quan, có thể xem theo thời gian thực khi chạm vào. Video đã thu hút gần 200.000 lượt xem chỉ sau 13 tiếng đăng tải.

Ngoài ra, người dùng còn có thể xem lại các đoạn quay chậm hoặc tua một số pha bóng bị bỏ lỡ... Bên cạnh đó, thông tin nổi bật, số liệu thống kê trực tiếp, các bài viết về World Cup cũng được cập nhật nhanh trên ứng dụng. Ngoài FIFA+, World Cup 2022 còn có ứng dụng FIFA Player, vốn có khả năng cung cấp dữ liệu chi tiết về hiệu suất của từng cầu thủ sau mỗi trận đấu. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại World Cup.