11:08 24/04/2007

Cơ hội từ Diễn đàn Doanh nghiêp Việt Nam - Bulgaria

Thùy Trang

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Bulgaria vừa được tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội

Một cửa hàng ở thủ đô Sofia, Bulgaria.
Một cửa hàng ở thủ đô Sofia, Bulgaria.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Bulgaria vừa được tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Angel Marin, Phó Tổng thống nước Cộng hoà Bulgaria, theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

Được tổ chức do sự phối hợp của VCCI với Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI), diễn đàn này có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Bulgaria trong các lĩnh vực hoá dầu, máy móc, thiết bị, bảo hiểm, ngân hàng, nông sản, xây dựng, rượu, thuốc lá, chế biến thực phẩm, đồ gỗ...

Tại diễn đàn, đánh giá về khả năng hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng mặc dù quy mô hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước vẫn còn nhỏ, nhưng tốc độ phát triển của hai cộng đồng doanh nghiệp trong những năm gần đây ngày càng cao.

Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2005 đạt 22 triệu USD, năm 2006 đạt trên 28 triệu USD. Hơn thế nữa, hiện nay Việt Nam đã là thành viên WTO và Bulgaria đã là thành viên EU là những cơ hội rất tốt để doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác và xuất khẩu hàng hóa không chỉ với thị trường hai nước thông qua Việt Nam hàng hóa Bulgaria có thể vào thị trường ASEAN, Trung Quốc và ngược lại hàng hóa Việt Nam có thể vào EU thông qua cửa ngõ Bulgaria.

Tìm kiếm cơ hội đầu tư

Phát biểu trước các doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh khẳng định Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh, CH Bulgaria lại là bạn hàng truyền thống của Việt Nam nên cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tăng cường giao lưu, tìm kiếm các cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư. Ông cho rằng, hợp tác Việt Nam-Bulgaria, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch... sẽ phát triển sâu rộng, đánh dấu một thời kỳ mới hợp tác có hiệu quả giữa hai nước.

Đáp lại, Tổng thư ký BCCI ông Vassil Todorov cho biết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Bulgaria là than đá, thuỷ sản, thực phẩm, mây tre, hạt tiêu, hạt điều, hàng dệt may; trong khi đó Bulgaria xuất sang Việt Nam các mặt hàng chủ yếu là hoá chất, tân dược, rượu vang, máy móc, kỹ thuật đóng tàu...

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, các doanh nhân của Bulgaria đặc biệt quan tâm hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển du lịch... Ông nhận định, VCCI và BCCI đã có hợp tác từ lâu, đây chính là thế mạnh để các doanh nghiệp hai nước có thể thông qua 2 phòng thương mại nắm bắt được tình hình thị trường cũng như tham gia các đoàn khảo sát thị trường.

Ngay tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã chia thành các nhóm mặt hàng cụ thể để trao đổi, tìm hiểu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty thương mại và Xây dựng Nhà Phát nhìn nhận thị trường Bulgaria tiềm năng rất lớn, bởi Bulgaria và Việt Nam là hai đối tác truyền thống, nhất là trong những lĩnh vực là thế mạnh của cả hai bên như: nông nghiệp, xây dựng, cơ khí máy móc, máy tính....

Ông Tuấn cũng tin tưởng rằng giờ đây khi Bulgaria chính thức trở thành thành viên EU cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, xâm nhập vào thị trường này là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đã đề cập đến khó khăn khi làm ăn với thị trường này, đó là việc bảo lãnh về thanh toán tín dụng. Đây chính là “điểm yếu” hiện nay khi làm ăn với thị trường Bulgaria khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với thị trường này.

Ông Dobromir Dobrev, Chủ tịch Tập đoàn Bulinvestment – 2000, Cty chuyên đầu tư đa ngành nghề cho biết Cty ông đã có nhiều hợp tác đầu tư tại Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên đến với thị trường Việt Nam, nhận thấy Việt Nam là một thị trường đang phát triển, nhất là lĩnh vực xây dựng. Bulinvestment - 2000 muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt ông muốn liên doanh với Việt Nam để sản xuất các loại nước quả tự nhiên để xuất khẩu sang Bulgaria. Hệ thống công ty này có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, máy móc, xây dựng...

Mở hướng bảo lãnh thanh toán tín dụng

Nhiều doanh nghiệpViệt Nam cũng đã đề cập đến khó khăn khi làm ăn với thị trường này, đó là việc bảo lãnh về thanh toán tín dụng. Đây chính là “điểm yếu” hiện nay khi làm ăn với thị trường Bulgaria khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với thị trường này.

Một doanh nhân khác là ông Mario Nikolov, một trong những “đại gia” hàng đầu của Bulgari trong lĩnh vực kinh doanh café và thực phẩm cho biết ông đã có quan hệ với các đối tác của Việt Nam, như Vinacafe từ 20 năm trước, bây giờ là dịp để ông quay lại Việt Nam, tìm lại những đối tác cũ để hợp tác liên doanh trong các lĩnh vực nông sản thực phẩm, trồng cây công nghiệp.

Dự định của ông là liên doanh và sản xuất các mặt hàng trên tại Việt Nam, rồi xuất khẩu trở lại Bulgaria và xuất khẩu sang nước thứ 3, ông Mario Nikolov cho biết ông đã tìm được một số đối tác tiềm năng và dự định sẽ chính thức bắt tay vào làm việc trong thời gian tới.

Mặc dù chưa có hợp đồng cụ thể nào được ký kết tại diễn đàn doanh nghiệp nhưng những cái bắt tay thân mật đã cho thấy sự quyết tâm cao của hai cộng đồng doanh nghiệp trong việc tăng cường hợp tác đầu tư trong thời gian tới.