10:19 07/09/2007

Cơ khí - Điện Lữ Gia chào bán 2 triệu cổ phiếu

Hoàng Lộc

Công ty Cổ phần cơ khí - Điện Lữ Gia vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho phép chào bán 2 triệu cổ phiếu

Công ty Cổ phần cơ khí-điện Lữ Gia vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho phép chào bán 2 triệu cổ phiếu.

Trong số đó, 1 triệu cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 1 triệu cổ phiếu được chào bán cho đối tác chiến lược và cổ đông hiện hữu với giá 32.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá này rất thấp so với giá đang giao dịch trên sàn Tp.HCM là trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Phải chăng các nhà đầu tư đang quá kỳ vọng vào cổ phiếu của Lữ Gia?

Theo thông tin do Lữ Gia công bố, mục đích của đợt chào bán 2 triệu cổ phiếu là để đầu tư vào 2 dự án: Dự án xây dựng Khu chung cư- văn phòng – thương mại tại 70 Lữ Gia Q.11 Tp.HCM, tổng vốn đầu tư lên tới 357 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào cuối quý 3 năm 2007 với tổng diện tích đất 5.584 m2 được thuê trong thời hạn 46 năm và dự án xây dựng nhà máy mới ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch Đồng Nai.

Ngoài vốn phát hành, Công ty Lữ Gia cũng đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đồng ý cho vay với hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng thông qua bảo lãnh của Công ty cổ phiếu đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM với mức lãi suất 0,87%/tháng. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL cũng đã cho Lữ Gia vay 30 tỷ đồng để tài trợ cho dự án nhà máy tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, kết quả kinh doanh của Lữ Gia năm 2006 không mấy khả quan, cụ thể (số liệu theo thứ tự là năm 2005, 2006 và 6 tháng đầu năm 2007): Tổng tài sản 35 tỷ, 46 tỷ và 173 tỷ đồng, doanh thu thuần 39 tỷ, 42 tỷ và 26 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ, 1,274 tỷ đồng (giảm 51% so năm 2005) và 1,642 tỷ đồng.

Tuy nhiện, Lữ Gia cũng có một số thuận lợi và khó khăn chính sau: Cùng với sự phát triển lạc quan của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và các khu công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.

Điều này sẽ trực tiếp tác động tốt đến sự mở rộng và phát triển của ngành cơ khí – điện chiếu sáng của Công ty Lữ Gia. Nhu cầu về sản phẩm đèn chiếu sáng hiện nay đối với ngành chiếu sáng công cộng nói chung và đối với Lữ Gia nói riêng là khá lớn.

Quá trình đô thị hóa, phát triển các hệ thống giao thông công cộng, các khu dân cư và hình thành các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua và trong những năm sắp tới tạo ra sức cầu mạnh đối với sản phẩm ngành chiếu sáng công cộng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Lữ Gia.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi Lữ Gia có thể còn gặp nhiều khó khăn như: Giá thành của hầu hết các mặt hàng và nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao, trong đó điển hình là xăng dầu, sắt thép... đã làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp cũng tăng theo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh của Lữ Gia.

Trong kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, Lữ Gia sẽ sử dụng một lượng lớn nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng để tài trợ cho các dự án. Do đó, việc biến động của lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Các loại nguyên vật liệu chính như thép tấm và thép ống chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá thành sản xuất của sản phẩm Lữ Gia. Nguồn nguyên liệu thép mà Lữ Gia sử dụng được mua lại từ các công ty cung ứng trong nước. Do các công ty này nhập khẩu thép trực tiếp từ nước ngoài nên giá thành chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá phôi thép trên thế giới.

Trong thực tế, những năm vừa qua, giá thép liên tục biến động phức tạp (do ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự, giá dầu mỏ, nguyên vật liệu trên thế giới) do đó cũng gây ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu này. Đây là một rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Lữ Gia.

Bên cạnh đó, giá kẽm cũng có xu hướng tăng trong những năm gần đây làm cho giá thành của công đoạn nhúng kẽm các sản phẩm trụ đèn của Lữ Gia (hiện đang được thuê ngoài) tăng liên tục, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Lữ Gia. Một trong những rủi ro cần phải tính đến đối với Lữ Gia đó là rủi ro về nguồn vốn huy động khi triển khai đồng thời 2 dự án với tổng mức đầu tư rất lớn so với vốn tự có của công ty.

Hiện Lữ Gia đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ, trong đó một số đối thủ cạnh tranh lớn của Lữ Gia gồm: Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (HAPULICO), công ty này đã tham gia vào nhiều dự án ở khu vực phía Nam như Công trình hệ thống chiếu sáng đường ven biển Hạ Long-Quang Trung tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty Chiếu sáng công cộng Tp.HCM-một công ty hàng đầu về lĩnh vực chiếu sáng công cộng, Công ty Cơ điện và Xây lắp công nghiệp tàu thủy, Công ty Valmont (Thượng Hải-Trung Quốc) và Công ty Vietnam Schreder.