16:13 12/06/2015

Có không “kinh tế ngầm” trong giao thương Việt - Trung?

Nguyễn Lê

Chênh lệch số liệu trong giao thương Việt - Trung được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải tại nghị trường

Hoạt động giao thương sôi động tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).<br>
Hoạt động giao thương sôi động tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).<br>
Sáng 12/6, khi thời gian chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ còn lại 35 phút, bất lợi của Việt Nam trong giao thương Việt - Trung với hình ảnh “áo giáp đang rách” được đại biểu Mai Hữu Tín ví von từ phiên thảo luận ngày 8/6 đã trở lại trong chất vấn của một vị đại biểu khác.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cho rằng trong chênh lệch số liệu giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng có vấn đề quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, làm cho đại biểu Quốc hội và cử tri trong cả nước hết sức lo lắng, không yên tâm.
 
“Không biết có tình trạng "kinh tế ngầm" hay không, và việc này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của đất nước? Xin Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào?”, ông Minh chất vấn.

“Sự chênh lệch số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu giữa các nước với nhau là một thực tế tồn tại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà kể cả các nước với nhau, kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn thì dẫn tới chênh lệch càng nhiều”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cụ thể, ngoài Trung Quốc, năm 2014 số liệu xuất khẩu Nhật Bản thống kê là 14 tỷ 180 triệu USD, Việt Nam thống kê là 14 tỷ 693 triệu USD, cao hơn 513 triệu USD.

Hay Hàn Quốc thống kê Việt Nam xuất khẩu 7 tỷ 990 triệu, còn Việt Nam thống kê chỉ có 7 tỷ 144 triệu, chênh lệch 847 triệu.

Đối với Singapore, họ thống kê ta xuất sang họ 3 tỷ 200 triệu, trong khi đó ta thống kê ta xuất chỉ có 2 tỷ 900 triệu, chênh lệch 260 triệu, Bộ trưởng cho biết chi tiết hơn.

Với xuất khẩu, Bộ trưởng cũng nêu con số chi tiết để chứng minh sự chênh lệch trong con số thống kê giữa Việt Nam và ba nước nói trên.

“Tôi xin khẳng định rằng, số liệu thống kê của hải quan Việt Nam là số liệu chính thức và số liệu đã thống kê qua sổ sách bởi vì đều thông quan qua các cửa khẩu”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Tuy nhiên, đứng dậy lần thứ hai, đại biểu Ngô Văn Minh nói, ông không hỏi về số liệu, mà chỉ hỏi về tình trạng quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, có hoạt động “kinh tế ngầm” ở đây không? Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác xuất nhập khẩu, trong đó có việc quản lý thị trường và tác hại của việc này đến nền kinh tế của nước ta như thế nào?.

“Chúng tôi không có ý viện dẫn quá nhiều con số, nhưng chúng tôi nêu một số ví dụ để minh họa thực trạng về chênh lệch số liệu thống kê là có giữa các nước trong quan hệ xuất, nhập khẩu với nhau”, Bộ trưởng Hoàng “thanh minh”.

Và theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu thống kê giao thương Việt -  Trung chắc chắn có buôn lậu và có “kinh tế ngầm”. Song, đánh giá một cách thật chính xác, thì chưa đầy đủ cơ sở.

Về phần trách nhiệm liên quan đến lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng nhắc lại các giải pháp đã báo cáo với Quốc hội là làm trong sạch đội ngũ, tăng cường năng lực và thực hiện quy định về luân chuyển, thay đổi vị trí công tác, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Chưa đồng ý với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Ngô Văn Minh trao đổi với báo chí rằng ông sẽ tiếp tục gửi văn bản chất vấn về vấn đề nêu trên, bởi điều quan trọng đại biểu Minh muốn có từ phần trả lời của Bộ trưởng là có khắc phục được tình trạng nói trên hay không.

“Tôi chất vấn về trách nhiệm, nhưng câu trả lời của Bộ trưởng không rõ trách nhiệm. Xuất và nhập đều chênh lệch số liệu, có nghĩa là buôn lậu, buôn lậu từ thiết bị cho sản xuất đến hàng tiêu dùng thì ảnh hưởng đến đời sống xã hội, chứ tại sao lại nói một cách bình thường như thế được”, ông Minh bày tỏ.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, qua con số Bộ trưởng nêu thì các nước không có chung biên giới với Việt Nam chênh lệch số liệu xuất khẩu rất là ít. Còn với Trung Quốc, thì sự chênh lệch lớn đến mức khó có thể chấp nhận.

Cho rằng bất cập trong giao thương Việt - Trung không chỉ liên quan đến một mình Bộ Công Thương, song ngành này cũng có trách nhiệm rất quan trọng, Chủ tịch VCCI nhận xét: “kinh tế ngầm” trong giao thương Việt - Trung là khá lớn, trả lời như Bộ trưởng thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan khá nhẹ nhàng.