10:07 04/11/2017

"Cổ phần hóa VRG bị chậm do phải cẩn trọng hệ lụy từ đất đai"

Bảo Quyên

Thứ nhất là VRG có vốn rất lớn, thứ hai là tập đoàn quản lý một diện tích đất đai rất lớn lên tới hàng trăm nghìn ha

Tập đoàn Cao su tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động nên việc giải quyết liên quan đến người lao động khi cổ phần hóa cũng cần phải được thực hiện thận trọng, chính xác.
Tập đoàn Cao su tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động nên việc giải quyết liên quan đến người lao động khi cổ phần hóa cũng cần phải được thực hiện thận trọng, chính xác.

"Việc cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bị chậm lại do chúng ta phải xem xét một số vấn đề quan trọng để tránh những hệ luy khi bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quy mô rất lớn này".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trước câu hỏi của báo giới về lý do quá trình cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG) bị chậm so với lộ trình đã được duyệt.

Trao đổi với báo giới chiều 3/11, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, chủ trương cổ phần hóa VRG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Nhà nước vẫn nắm cổ phần chính và tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Tập đoàn Cao su là tập đoàn rất lớn. Thứ nhất là vốn rất lớn, thứ hai là quản lý một diện tích đất đai rất lớn lên tới hàng trăm nghìn ha. Do đó, chúng ta đang xem xét, cân nhắc bảo đảm việc cổ phẩn hoá nhưng tránh những hệ lụy phức tạp khác từ đất đai.

Bên cạnh đó, do đây là tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động nên việc giải quyết chính xác, nhất là những lao động nhận khoán được hưởng đầy đủ các quyền do pháp luật quy định, là vấn đề phải làm rất kỹ.

"Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng, với Phó thủ tướng và Chính phủ đã tổ chức một số cuộc họp với các bộ, ngành để nghe Tập đoàn Cao su báo cáo về việc này", ông Tuấn nói.

Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo ngoài việc làm chặt chẽ thì phải thực hiện kiểm toán tài chính. Do vậy, ông Tuấn thừa nhận đúng là hiện nay lộ trình bị kéo dài một vài tháng.

Gần đây, sau khi xem xét và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9 đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để đưa ra cổ phần hoá và cũng đã trình Thủ tướng phương án cổ phần.

"Tinh thần chung là sau khi ý kiến của các bộ, ngành được tập hợp để báo cáo Thủ tướng thì Tập đoàn này sẽ tiến hành các bước còn lại để cổ phần hoá sớm nhất. Trong đó, việc cổ phần có được hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Do vậy, bán lần thứ nhất không hết thì pháp luật quy định phải bán hai lần tiếp theo", ông Tuấn thông tin thêm.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, mong muốn của Bộ và các cơ quan Chính phủ là muốn bán một lần, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sẽ thực hiện được từ nay đến quý 1/2018", ông Tuấn kỳ vọng.