18:41 06/03/2007

Cổ phiếu chủ chốt kéo lùi VN-Index

Hồng Kỳ

Việc các cổ phiếu blue-chips sụt giảm là nguyên nhân sự đảo chiều mạnh của VN-Index trong phiên ngày 6/3 này

Khuôn mặt đăm chiêu của một nhà đầu tư tại sàn giao dịch của Chứng khoán Bảo Việt - Ảnh: Việt Tuấn.
Khuôn mặt đăm chiêu của một nhà đầu tư tại sàn giao dịch của Chứng khoán Bảo Việt - Ảnh: Việt Tuấn.
Mặc dù lượng cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm đa số với 71 cổ phiếu, nhưng chỉ số VN-Index trong phiên ngày 6/3 đã đảo chiều, sụt giảm mạnh 25,59 điểm, xuống còn 1.133,31 điểm.

Nhiều người cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong phiên này là do thông tin từ Bộ Tài chính về những biện pháp hạn chế và kiểm soát các nguồn vốn tín dụng chuyển sang đầu tư chứng khoán cũng như sẽ ban hành chính sách đánh thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Ngoài những nguyên nhân nói trên, theo các chuyên gia, những cảnh báo về nguy cơ “bong bóng” về giá của 20 cổ phiếu lớn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu phát huy tác dụng, khiến những cổ phiếu này giảm đồng loạt trong một vài phiên gần đây. Và việc các cổ phiếu blue-chips sụt giảm là nguyên nhân sự đảo chiều mạnh của VN-Index trong phiên ngày 6/3 này.

Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường vẫn không thay đổi, thậm chí tăng nhẹ so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu hôm nay đạt 8,38 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị đạt 1.068,5 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch trước, giá một số cổ phiếu chủ chốt như AGF, BMP, FPT, GMD, SJS, TDH..., đã giảm song mức điều chỉnh nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến VN-Index. Tuy nhiên, trong phiên này, mức ảnh hưởng đã thật sự rõ nét khi danh sách các cổ phiếu giảm giá này có thêm những tên tuổi “đại gia” như ITA, PPC, REE, SAM, SSV, VNM, VSH...

“Đại gia” FPT đứng đầu trong danh sách các cổ phiếu giảm giá cao nhất thị trường khi mất đi 31.000 đồng/cổ phiếu, xuống sát sàn là 604.000 đồng/cổ phiếu. Lượng giao dịch của cổ phiếu này so với các phiên trước đó đạt khá cao, trên 200.000 cổ phiếu được khớp lệnh.

Các cổ phiếu khác như HRC, SJS, PVD, KDC, REE, SAM, DRC có mức giảm từ 10.000 – 19.000 đồng/cổ phiếu.

Trong số các cổ phiếu blue-chips, chỉ có STB tiếp tục tăng trần thêm 7.000 đồng, lên mức kỷ lục mới là 127.000 đồng/cổ phiếu. Và cũng như các phiên gần đây, tỷ lệ cung cầu của STB trong phiên này luôn chênh lệch ở mức khá lớn. Có rất ít cổ phiếu được bán ra, trong khi lượng đặt mua với giá trần cứ ồ ạt được nhập vào. Kết quả, có hơn 157.450 cổ phiếu STB được khớp lệnh.

Nếu như phiên trước, lượng dư mua giá trần cao gần 10 lần lượng khớp lệnh, thì trong phiên này, con số này cao gấp 18 lần. Doanh nghiệp này vừa ấn định ngày 9/3 tổ chức đại hội cổ đông để thông qua kế hoạch tăng vốn lên trên 3.540 tỷ đồng bằng cách phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá bằng 1,5 lần mệnh giá.

Ngược lại với xu hướng giảm giá của các cổ phiếu blue-chips là các cổ phiếu giá rẻ, dưới 100.000 đồng. Trong số 71 mã tăng giá, có 51 cổ phiếu tăng trần, trong đó chủ yếu là những tên tuổi mới như CYC, DTC, DTT, LBM, SCD, SDN, SMC, VPK... Hầu hết số lượng dư bán của các cổ phiếu này đều bằng 0, trong khi dư mua ở giá trần còn rất nhiều.

Trong số 2 chứng chỉ quỹ, PRUBF1 hôm nay giảm 200 đồng xuống mức 13.800 đồng với hơn 660.000 đơn vị chuyển nhượng, còn VFMVF1 lại tăng 1.400 đồng lên mức 46.500 đồng với hơn gần 740.000 chứng chỉ khớp lệnh.

Giao dịch của chứng chỉ quỹ góp thêm cho thị trường 43,55 tỷ đồng, nâng tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong phiên đạt 1.112 tỷ đồng.

Trái với sàn Tp.HCM, chỉ số HASTC- Index của sàn Hà Nội vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã giảm so với phiên trước, chỉ tăng 4,94 điểm lên 440,52 điểm. Gần 4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị đạt hơn 404 tỷ đồng.