Cổ phiếu công nghệ kéo tụt chứng khoán Mỹ, Nasdaq rơi vào điều chỉnh
Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ sụt 1,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction)
Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ sụt 1,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction), khi cổ phiếu Alphabet, Facebook và Amazon đồng loạt giảm mạnh vì mối lo các công ty công nghệ này có thể trở thành mục tiêu kiện chống độc quyền của Chính phủ Mỹ.
Trước phiên này, Nasdaq đã giảm liên tục kể từ khi lập kỷ lục đóng cửa vào hôm 3/5, do nỗi lo của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh.
Chỉ số S&P 500 đã giằng co trong suốt phiên đầu tuần và kết thúc phiên với mức giảm 0,3%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones gần như không thay đổi khi đóng cửa.
"Thị trường tiếp tục chịu sức ép từ mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Bucky Hellwig, Phó chủ tịch BB&T Wealth Management, nói với hãng tin Reuters. Ông Hellwig nhấn mạnh rằng các con số thống kê đáng lo ngại về ngành sản xuất tại nhiều nền kinh tế dường như củng cố mối lo này.
"Ở thời điểm hiện tại, Nasdaq về cơ bản đã về vùng đáy hồi tháng 3. Đây là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng cần duy trì. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ, chỉ số sẽ giảm sâu hơn. Phiên ngày mai sẽ là một phiên quan trọng để xác định xem liệu xu hướng giảm có tiếp tục", nhà quản lý quỹ nói.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,02%, đạt 24.819,78 điểm. S&P 500 giảm 0,28%, còn 2.744,45 điểm. Nasdaq sụt 1,61%, còn 7.333,02 điểm.
So với mức đóng cửa kỷ lục hôm 3/5, Nasdaq hiện giảm 10,2%, đáp ứng định nghĩa thị trường điều chỉnh. Một chỉ số được coi là rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh nếu giảm 10% từ mức đỉnh 52 tuần gần nhất.
Xung đột thương mại tiếp tục là đám mây đen phủ bóng lên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhà đầu tư "phập phồng" chờ những diễn biến tiếp theo của quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico. Cuộc chiến thương mại của ông Trump đang có chiều hướng lan rộng, khi hôm thứ Sáu tuần trước ông chấm dứt chính sách ưu đãi thương mại dành cho Ấn Độ.
"Chúng tôi ngạc nhiên khi thị trường không bi quan hơn trong ngày hôm nay, khi mà Trung Quốc càng cứng rắn, truyền thông nói nhiều về Mexico, và Mỹ rút ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ", Giám đốc đầu tư John Augustine của Hungtington National Bank nhận xét. "Có thể, giới đầu tư đang nghĩ rằng những thông tin và dữ liệu kinh tế sắp công bố trong tuần này cũng tệ không kém".
Cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng (ISM) ở Trung Quốc cho thấy ngành sản xuất của nước này bất ngờ giảm tốc trong tháng 5. Dữ liệu này thúc đẩy nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu chính phủ để tìm kiếm an toàn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vì thế chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017, và giới đầu tư càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm có một đợt hạ lãi suất để ngăn nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Cổ phiếu Facebook rớt giá mạnh sau khi tờ Wall Street Journal nói rằng Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã được trao quyền để kiểm tra xem liệu hoạt động của mạng xã hội lớn nhất thế giới có ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh trong không gian số.
Chốt phiên, cổ phiếu Facebook sụt 7,5%, đánh dấu cú giảm mạnh nhất kể từ hôm 26/7 năm ngoái.
Cổ phiếu Alphabet lao dốc 6% sau khi nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc điều tra để xác định xem liệu công ty mẹ của Google có vi phạm luật chống độc quyền. Cổ phiếu Amazon.com rớt 4,6% sau khi có tin nói rằng "đế chế" thương mại điện tử có thể bị đưa vào diện giám sát của FTC.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ truyền thông, trong đó có Google và Facebook, chốt phiên với mức giảm 2,8%, mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Cú giảm của Amazon khiến nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu sụt 1,2%.
Có tổng cộng 8,34 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,11 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.