08:46 26/05/2022

Cổ phiếu điện giữa bão giá nhiên liệu than, khí đốt

Thu Minh

Theo đánh giá của Chứng khoán KIS, POW, NT2 là những "tay chơi" nổi trội khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt là 41,8% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thủy điện sẽ là nhóm hưởng lợi lớn nhất trong Quý 2/2022...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dữ liệu thu thập từ 38 công ty điện niêm yết của Chứng khoán KIS cho thấy, ngành điện đạt kết quả tích cực trong Quý 1/2022. Doanh thu tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 17,9% so với quý liền kề trước đó nhờ giá bán và sản lượng tăng trưởng tích cực.

POW VÀ NT2 LÀ TAY CHƠI NỔI TRỘI

Trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, các công ty thủy điện ở khu vực miền trung nổi lên như là “ngôi sao sáng” của ngành điện. VSH vươn lên vị trí số 1 trong nhóm thủy điện khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 325% và 298% trong Q1/22 nhờ việc đi vào vận hành của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, dẫn đến sản lượng tăng ngoạn mục 620 triệu kWh tăng 173%.

DNH với doanh thu đứng thứ 2 trong nhóm cũng duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 22% khi lưu lượng nước đổ về các hồ chứa của nhà máy tiếp tục tăng. GEG đã quay trở lại vị trí đầu tàu khi tăng trưởng doanh thu đạt mức cao nhất lịch sử với mức tăng 87% vì các dự án điện gió mới của công ty đã bắt đầu vận hành từ Q4/21. 

Kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng đã giúp các công ty thủy điện hoàn thành 28%-40% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Cổ phiếu điện giữa bão giá nhiên liệu than, khí đốt - Ảnh 1

Trong nhóm nhiệt điện, PGV là công ty có doanh thu lớn nhất với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 19,3% và 6,8%. Nhờ danh mục đa dạng, PGV có thể tăng huy động từ nhà máy điện khí Phú Mỹ và thủy điện Buôn Kuốp trong lúc các nhà máy điện than của công ty đang vận hành dưới công suất.

POW và công ty con, NT2 là những tay chơi nổi trội khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt là 41,8% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm điện than, HND có doanh thu tăng trưởng tích cực tăng 27,6% nhờ cải thiện giá bán và sản lượng khi sản lượng tăng 265 triệu kWh (trong đó sản lượng hợp đồng với EVN tăng 121 triệu kWh). Những người hàng xóm, QTP và DTK cũng có doanh thu khả quan khi lần lượt tăng 44,9% và 10,6%.

NHƯNG THUỶ ĐIỆN LỢI NHẤT TRONG QUÝ 2

Dự báo giá than tiếp tục tăng mạnh trong quý 2/2022. Đến cuối tháng 3, các nhà máy điện than Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành ở mức 60-70% công suất. Mặc dù Bộ Công Thương đang ráo riết làm việc với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu 5 triệu tấn than hằng năm từ Australia và tăng nhập than từ Nam Phi, năng lực cung cấp đủ than cho nhiệt điện vẫn là dấu hỏi lớn.

Trong Quý 1/2022, giá than nhập khẩu bình quân neo ở mức USD228,5/tấn tăng 170% trong khi sản lượng than nhập khẩu giảm về mức 6,44 triệu tấn giảm 27% do các khó khăn trong khâu xuất nhập khẩu. Mặc dù giá than nội địa gần như giữ nguyên trong suốt 2 năm qua, tỷ lệ than nhập khẩu trong lượng than cung cấp cho các nhà máy điện không ngừng tăng, gây áp lực lên giá than đầu vào.

Giá than Newcastle đang neo ở mức giá USD379/tấn sau khi đạt mức đỉnh USD430/tấn ở nửa đầu tháng 3, và tăng 138% kể từ đầu năm. Nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ tăng giá than nội địa kể từ Quý 2/2022 trong bối cảnh chi phí sản xuất than tăng cao như hiện nay.

Cổ phiếu điện giữa bão giá nhiên liệu than, khí đốt - Ảnh 2

Theo đánh giá của Chứng khoán KIS, thủy điện sẽ là nhóm hưởng lợi lớn nhất trong Quý 2/2022.

Đà tăng của giá khí sẽ khiến tỷ suất LNG của nhóm điện khí giảm nhẹ trong Q2/22. Với việc sản lượng điện hợp đồng với EVN thường chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thương phẩm, phần nhiều tác động từ việc tăng giá khí đầu vào có thể chuyển hóa sang giá điện hợp đồng với EVN (giá PPA = FC + VC trong đó, VC là giá biến đổi và được điều chỉnh theo biến động của giá nhiên liệu đầu vào).

Bất chấp giá điện khí tăng, doanh thu và sản lượng của nhóm điện khí vẫn rất khả quan trong Q2/22 khi EVN tăng huy động các nguồn, trong đó có điện khí để bù đắp cho thiếu hụt điện than.

Cổ phiếu điện giữa bão giá nhiên liệu than, khí đốt - Ảnh 3

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina có thể kéo dài đến giữa năm 2022 với xác xuất 65-70% và chuyển sang pha trung tính trong nửa sau của 2022. Các hồ chứa thủy điện tại miền bắc được dự báo sẽ thiếu nước trong mùa khô. Lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ trong Q2/22 sẽ cao hơn 15%-20% so với trung bình nhiều năm.

Kỳ vọng rằng các yếu tố cộng hưởng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các công ty thủy điện tại khu vực này như VSH, GEG và DNH.