09:34 03/12/2021

Cổ phiếu Grab lao dốc 21% trong phiên chào sàn ở New York

An Huy

Cổ phiếu Grab Holdings Ltd., công ty taxi công nghệ và giao hàng lớn nhất Đông Nam Á, giảm chóng mặt trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi hoàn tất sáp nhập với công ty séc trắng (SPAC) có tên Altimeter Growth Corp. - thương vụ SPAC lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Trong phiên giao dịch ngày 2/12 tại thị trường New York, cổ phiếu này có lúc giảm 21%, còn 8,67 USD/cổ phiếu.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực taxi công nghệ, và sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cổ phiếu Uber Technologies Inc. đã giảm hơn 105 kể từ khi tuyên bố phát hiện một biến chủng mới. Tuần trước, Singapore – quốc gia nơi Grab đặt trụ sở - đã cấm các chuyến bay từ 7 nước châu Phi. Ngày 2/12, Chính phủ Singapore cho biết đã phát hiện 2 ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh.

Đến hiện tại, Grab vẫn cần chứng minh với nhà đầu tư về khả năng đạt lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh sự nổi lên của Covid. Hồi tháng 9, Grab phải cắt giảm dự báo doanh thu năm 2021 khi biến chủng Delta hoành hành mạnh ở Đông Nam Á. Theo đó, Grab dự báo doanh thu ròng cả năm đạt khoảng 2,2-2,2 tỷ USD, từ mức 2,3 tỷ USD đưa ra hồi tháng 4. Tổng giá trị hàng hoá thông qua nền tảng Grab trong cả năm được dự báo đạt 15-15,5 tỷ USD, so với mức dự báo trước đó là 16,7 tỷ USD.

Tháng 11 vừa qua, Grab cho biết công ty lỗ ròng 988 triệu USD trong quý 3, doanh thu giảm 9% còn 157 triệu USD.

“Chúng tôi vẫn lạc quan về công việc kinh doanh của mình”, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Grab, ông Anthony Tan, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg ngày 2/12.

Ông Tan và CEO Brad Gerstner của Altimeter Capital Management công bố kế hoạch sáp nhập hồi tháng 4, sau đó cùng đưa thoả thuận vượt qua một năm đầy thách thức đối với thị trường SPAC nói riêng và thị trường tài chính toàn cầu nói chung. Họ đã trì hoãn việc hoàn tất thoả thuận trong lúc Grab điều chỉnh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trong tuần này, các nhà đầu tư đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo ủng hộ việc hoàn tất thương vụ, mở đường cho cuộc lên sàn của cổ phiếu công ty sau sáp nhập.

Được sáng lập bởi ông Tan và bà Hooi Ling Tan, Grab từ lâu được xem là một trong những startup hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á và là một ứng cử viên hàng đầu để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mô hình kinh doanh của Grab tương tự như đối thủ Mỹ Uber, và cả hai công ty đều được hậu thuẫn bởi SoftBank Group Corp., công ty của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son. Hồi năm 2018, Uber đã bán lại hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab và rút lui khỏi thị trường này.

Nói về biến chủng mới của Covid-19, bà Hooi Ling Tan cho rằng “còn quá sớm” để xác định liệu mối lo ngại này có dẫn tới sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. “Phần quan trọng nhất trong sự tăng trưởng của Grab hai năm qua là chiến lược ‘siêu ứng dụng’ cho phép chúng tôi vững vàng trước các thách thức do Covid gây ra”, bà nói với Bloomberg. “Hãy xem Grab là sự tập hợp của cả Uber, DoorDash và Venmo”.

Một lợi thế của Grab là triển vọng tăng trưởng ở Đông Nam Á. Nền kinh tế Internet của khu vực này được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay, đạt mức 363 tỷ USD vào năm 2025 – theo một nghiên cứu của Gooogle, Temasek và Bain & Co..

Sea Ltd., một công ty công nghệ khác có trụ sở ở Singapore và là công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, đã chứng tỏ tiềm năng cho các nhà đầu tư. Sea lên sàn chứng khoán vào năm 2017 với tư cách một công ty game, sau đó mở rộng sang thương mại điện tử và thanh toán số. Cổ phiếu Sea đến nay đã tăng hơn 1.600%, đưa công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng đắt giá nhất Đông Nam Á, với vốn hoá thị trường đạt khoảng 145 tỷ USD.

Grab đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn ở Đông Nam Á, bao gồm từ Sea. Cạnh tranh trực tiếp hơn với Grab có ứng dụng gọi xe Gojek của Indonesia  - công ty đã sáp nhập với sàn thương mại điện tử PT Tokopedia để trở thành GoTo. Sau khi sáp nhập, GoTo cũng đang chuẩn bị IPO ở Indonesia và ở Mỹ trong năm tới.

Dù vậy, Grab vẫn đang chiếm vị trí đi đầu trên thị trường và đã huy động được thêm hơn 4 tỷ USD tiền vốn từ vụ sáp nhập SPAC.

“Thế thống trị của Grab trên thị trường gọi xe ở Đông Nam Á giúp công ty này có lợi thế so với các đối thủ như GoTo và Sea, cho phép Grap duy trì dẫn trước trong các mảng giao hàng thực phẩm và mua đồ ăn trực tuyến”, nhà phân tích Nathan Naidu của Bloomberg nhận định.

Cổ phiếu Altimater Growth được bán lúc đầu với giá 10 USD/cổ phiếu và đã có một năm đầy biến động trước khi hoàn tất sáp nhập với Grab. Cổ phiếu này – hiện cũng chính là cổ phiếu Grab, tăng giá tới 17,06 USD/cổ phiếu trong phiên ngày thứ Tư, trước khi đóng cửa ở mức 11,01 USD/cổ phiếu.