15:49 30/01/2023

Cổ phiếu nhỏ đua kịch trần, VN-Index bốc hơi 14 điểm

Kim Phong

Sức ép tăng vọt ở nhóm cổ phiếu blue-chips chiều nay khiến VN-Index cắm đầu lao dốc liên tục. Diễn biến trái ngược ở nhóm cổ phiếu nhỏ, khi riêng HoSE vẫn có 30 mã kịch trần, HNX cũng có 31 mã. Thanh khoản cũng có tín hiệu tăng mạnh trong rổ Smallcap...

VN-Index cắm đầu lao dốc chiều nay, khi các cổ phiếu trụ, nhất là nhóm ngân hàng, bị xả mạnh.
VN-Index cắm đầu lao dốc chiều nay, khi các cổ phiếu trụ, nhất là nhóm ngân hàng, bị xả mạnh.

Sức ép tăng vọt ở nhóm cổ phiếu blue-chips chiều nay khiến VN-Index cắm đầu lao dốc liên tục. Diễn biến trái ngược ở nhóm cổ phiếu nhỏ, khi riêng HoSE vẫn có 30 mã kịch trần, HNX cũng có 31 mã. Thanh khoản cũng có tín hiệu tăng mạnh trong rổ Smallcap.

VN30-Index kết phiên chiều nay giảm tới 1,48% trong khi thời điểm cuối phiên sáng mới giảm 0,69%. Độ rộng của rổ VN30 cũng chỉ còn 6 mã tăng/22 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng là 10 mã tăng/18 mã giảm.

Dù vẫn còn một vài cổ phiếu tăng so với tham chiếu, nhưng so với giá chốt phiên sáng, hầu hết đều đã hạ độ cao. HPG là ví dụ, đóng cửa còn tăng 1,16% so với tham chiếu, nhưng thực chất là giảm 1,58% so với phiên sáng. SSI cũng vậy, trả lại khoảng 1,87% điểm tăng buổi sáng, kết phiên chỉ còn trên tham chiếu 0,24%. Tuy vậy cũng có MWG lên cao hơn, đóng cửa tăng 0,65%, tức là đảo chiều từ giảm thành tăng. HDB cũng bay cao thêm 1,39%, chốt tăng 3,11%.

Phần còn lại đa số là tụt dốc. Độ rộng của VN-Index cuối phiên là 210 mã tăng/218 mã giảm, khá cân bằng, nhưng là kém hơn nhiều so với phiên sáng (229 mã tăng/175 mã giảm). Mặt khác, số giảm trên 1% buổi sáng là 65 mã, kết phiên là 100 mã. Như vậy cổ phiếu cũng đã yếu hơn.

VN-Index lao dốc nặng buổi chiều do các cổ phiếu lớn bị chốt lời mạnh tay hơn. VCB cuối phiên sáng giảm 1,08%, chiều nay giảm tiếp 2,28% nữa và đóng cửa mất tới 3,33% so với tham chiếu, khiến chỉ số mất 3,7 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng rất kém, trên cả 3 sàn chỉ còn 4/27 mã là còn xanh, trong đó duy nhất HDB là blue-chips. VCB giảm 3,33% chưa phải là mạnh nhất, ACB giảm tới 3,61%, EIB giảm 3,53%. Ngoài ra LPB cũng giảm 3,33%, STB giảm 3%, SHB giảm 2,68%... Trong rổ VN30 có 11 mã ngân hàng thì 7 mã giảm quá 2%.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, các trụ khác cũng mất điểm nhiều: VHM giảm 3,38%, VIC giảm 2,53%, GAS giảm 1,48%, VJC giảm 2,75%, PLX giảm 2,76%, GVR giảm 2,08%.

Trái ngược với nhóm blue-chips, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại đi ngược dòng khá mạnh. Toàn sàn HoSE có 30 mã kịch trần, nhiều mã thanh khoản khá tốt như ITA, APH, HHS, ABS, AAA, HDC, HQC. Trong hơn 100 mã tăng vượt 2% ở HoSE thì VN30 đóng góp duy nhất HDB.

Khá nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn tăng ngược dòng ấn tượng hôm nay.
Khá nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn tăng ngược dòng ấn tượng hôm nay.

Các cổ phiếu trung bình tới nhỏ tăng ngược dòng một phần nhờ thanh khoản hạn chế cũng như mức tăng chưa nhiều trước đó. VN-Index vượt đỉnh 1.100 điểm chủ yếu nhờ nhóm blue-chips nên lúc này dường như dòng tiền đang dịch chuyển khỏi nhóm này. Smallcap là chỉ số duy nhất tăng hôm nay, chốt trên tham chiếu 0,63% và thanh khoản rổ này cũng tăng vọt 41% so với phiên trước, đạt gần 1.805 tỷ đồng, cao kỷ lục 23 phiên gần đây.

Khối ngoại phiên chiều tiếp tục mua tích cực, nhưng không thay đổi được tình thế, chủ yếu do áp lực bán từ nhà đầu tư trong nước mạnh hơn. Tổng giải ngân mới tại HoSE chiều nay đạt 726,8 tỷ đồng, bán ra 334,5 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua thêm không đáng kể nhưng HPG được mua mạnh, nâng tổng giá trị ròng lên +248,2 tỷ đồng. SSI cũng được mua nhiều, +71,1 tỷ đồng cả ngày. VND, HDB, HCM, POW cũng có cải thiện. Phía bán ròng chỉ có DGC, VCB, KDC và VNM là trên 20 tỷ đồng.

Thị trường trải qua 8 phiên tăng liên tiếp trước và sau Tết, nhiều cổ phiếu đem lại lợi nhuận rất tốt nên áp lực chốt lời là hoàn toàn bình thường. Ví dụ VCB hôm nay bị xả mạnh, mức giảm trong ngày là sâu nhất kể từ đầu tháng 12/2022, nhưng vẫn không thấm tháp gì so với xu hướng tăng trước đó. VCB có đáy từ đầu tháng 10/2022 ở khoảng 62.000 đồng và mức đóng cửa phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết là 93.000 đồng, tươg đương tăng tới 50% trong gần 4 tháng. Nhóm ngân hàng hầu hết đều có xu hướng tăng tương tự, dù biên độ khác nhau nhưng đều khá dài và mạnh.

Dòng tiền xoay chuyển giữa các cổ phiếu phản ánh kỳ vọng lợi nhuận đã đủ. Đây là cơ hội để các cổ phiếu khác thu hút được dòng tiền quay lại. Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 4/2022 sẽ là trở lực và sẽ khó có hiện tượng xoay vòng tất cả.