Cổ phiệu trụ kéo VN-Index lên sát 1500 điểm, loạt quỹ đầu tư báo hiệu suất tăng trưởng chậm lại
So với tháng 5/2025, 61/71 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất kém đi...

Phần lớn các quỹ cổ phiếu tiếp tục đạt hiệu suất dương trong tháng 6/2025, trong đó nổi bật là nhóm quỹ mở PYN Elite, VEOF, VESAF và quỹ đóng VEIL, VNH với mức tăng trưởng vượt trội so với nhóm quỹ thụ động (ETFs), trái ngược với diễn biến của tháng trước, theo số liệu từ FiinTrade.
Tuy nhiên, so với tháng 5/2025, 61/71 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất kém đi.
Quỹ PYN Elite dẫn đầu với hiệu suất +9,08% trong tháng 6/2025, trong đó mức tăng +5,24% đến từ tăng trưởng NAV/ccq (niêm yết theo EUR) và phần còn lại là nhờ tỷ giá VND/EUR tăng. Các cổ phiếu dẫn đầu trong danh mục của PYN Elite đều ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 6, tiêu biểu như STB (+14,7%) và OCB (+10,4%).
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng năm 2025, hiệu suất của nhóm quỹ mở và quỹ đóng vẫn kém xa cùng kỳ 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ có 16/63 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu đến từ các quỹ thụ động nước ngoài như VanEck Vietnam ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF nhờ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng tăng mạnh của tỷ giá VND/USD. Ngược lại, hiệu suất lũy kế 6T2025 của nhóm quỹ mở và quỹ đóng vẫn chưa bắt kịp được mức tăng trưởng cao của cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là do diễn biến kém tích cực của thị trường trong quý 1/2025, cùng với áp lực điều chỉnh mạnh trong tháng 4 khi Vn-Index giảm tới -6,2% giữa bối cảnh lo ngại gia tăng về rủi ro thuế quan.
Bất kể hiệu suất tích cực hay kém tích cực, dòng vốn vẫn chịu áp lực rút mạnh tại nhóm quỹ cổ phiếu trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, song song với xu hướng quay trở lại của dòng tiền ngoại từ đầu tháng 7, một số quỹ ngoại bắt đầu ghi nhận dòng vốn vào ròng tích cực, tiêu biểu như quỹ VanEck Vietnam ETF, ETF DCVFMVN DIAMOND.

Tháng 6/2025, các quỹ trái phiếu duy trì hiệu suất ổn định, ngoại trừ TCBF (-0,05%)
Các quỹ Trái phiếu duy trì hiệu suất ổn định trong tháng 6/2025, bình quân ở mức +0,5%, không đổi so với tháng 5/2025.
Quỹ TP Dòng tiền Linh hoạt MB (MBAM) dẫn đầu với mức tăng trưởng +0,8% và đây cũng là hiệu suất cao nhất của quỹ này trong 10 tháng gần nhất. Danh mục nắm giữ của quỹ chủ yếu là TPDN của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF), CTCP Chứng khoánDNSE (DSE).
Ngược lại, quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) là quỹ trái phiếu duy nhất ghi nhận hiệu suất âm trong tháng 6/2025, ở mức -0,05%, đảo chiều từ mức tăng trưởng +1,5% trong tháng 5/2025. Nguyên nhân chủ yếu từ khoản lỗ chưa thực hiện hơn 76 tỷ đồng do giá thị trường của các trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm, đặc biệt là NVL122001 (-7,4%) và VIC124005 (-0,9%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, hiệu suất của quỹ TCBF ở mức +2,8%, kém xa so với mức tăng trưởng +7,8% trong giai đoạn cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng năm 2025, chỉ có 6/23 quỹ đạt hiệu suất cao hơn so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy phần lớn các quỹ trái phiếu đang đối mặt với áp lực suy giảm hiệu suất so với năm trước, tương tự như diễn biến ở nhóm quỹ cổ phiếu.
Tuy nhiên, có 20/23 quỹ trái phiếu ghi nhận mức sinh lời danh nghĩa cao hơn lãi suất tiết kiệm. Dù vậy, cần lưu ý rằng hiệu suất này chưa bao gồm thuế và các loại phí (trong khoảng 1-1,2%), trong khi lãi suất tiết kiệm hiện là mức thực nhận, không chịu thuế. Do đó, mức chênh lệch lợi nhuận giữa hai kênh đầu tư không quá rõ rệt sau khi điều chỉnh các yếu tố chi phí liên quan.
Trong tháng 6/2025, nhóm quỹ cân bằng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dẫn đầu là Quỹ Cân bằng PVcom với mức tăng +16,9%, bỏ xa các quỹ còn lại trong nhóm. Nhờ đó, quỹ này cũng vươn lên đứng đầu về hiệu suất lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, đạt +6,9% – vượt trội so với mặt bằng chung. Phần lớn các quỹ còn lại ghi nhận mức tăng khiêm tốn trong tháng 6, dao động quanh mức 1%-4%.
Lũy kế 6T2025, hiệu suất của nhóm quỹ cân bằng vẫn tương đối khiêm tốn, cho thấy chiến lược phân bổ tài sản giữa cổ phiếu và trái phiếu vẫn đang gặp thách thức trước diễn biến phân hóa của thị trường.