14:00 08/05/2019

Cổ phiếu Vietnam Airlines: Bước chuyển mình trên sàn chứng khoán

Thu Hương

Cùng với hoạt động chuyển sàn, hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục "cất cánh" với những con số đáng chú ý

Năm 2018, thương hiệu Vietnam Airlines đạt 416 triệu USD theo đánh giá của Brand Finance, nằm trong Top 10 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam.
Năm 2018, thương hiệu Vietnam Airlines đạt 416 triệu USD theo đánh giá của Brand Finance, nằm trong Top 10 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam.

Cùng với hoạt động chuyển sàn, hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục "cất cánh" với những con số đáng chú ý, trở thành lực đẩy cho cổ phiếu HVN tăng trưởng mạnh trong năm 2019.

Ngày 7/5/2019, hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã "chuyển nhà" từ sàn UPCOM lên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa gần 57.600 tỷ đồng (hơn 2,5 tỷ USD).

Chuyển sàn, thoái vốn nhà nước là câu chuyện được nhà đầu tư kỳ vọng nhất đối với cổ phiếu HVN, nhưng đồng thời, hoạt động cốt lõi của Vietnam Airlines cũng cho thấy những triển vọng tốt.

Kết quả kinh doanh "hái trái ngọt"

Quý 1/2019, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 26.000 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất 1.579 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45% kế hoạch năm. Với mức giá 40.300 đồng, chỉ số P/E của HVN đạt gần 24 lần, thấp hơn mức P/E hiện tại của nhiều công ty hàng không trong khu vực châu Á.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định: Hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines còn dư địa cải thiện trong thời gian tới khi thực hiện tái cấu trúc và hiện đại hóa đội bay. Theo kế hoạch, đội tàu bay sẽ tăng lên 112 chiếc vào cuối 2019, bao gồm nhận mới 22 tàu bay trong đó bán và thuê lại 2 chiếc Airbus A350, trả 3 tàu bay (1 chiếc Airbus A321, 2 chiếc Airbus A330).

Việc hiện đại hóa tàu bay giúp cho Vietnam Airlines tiết kiệm nhiên liệu, có thể cải thiện mức chênh lệch doanh thu - chi phí theo mỗi khách trên km (RASK – CASK), đồng nghĩa với tăng biên lợi nhuận.

Đồng thời, BSC dự báo giá nhiên liệu giảm từ 8-10% theo giá dầu cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không hưởng lợi. Ước tính 1% giảm giá nhiên liệu sẽ giúp cho HVN tiết kiệm được khoảng 400 tỷ chi phí.

Ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng phân tích của BSC đánh giá, Vietnam Airlines đã có những cải thiện mạnh mẽ về hiệu quả kinh doanh kể từ khi lên sàn UPCOM đầu năm 2017 đến nay.

"Doanh nghiệp có quy mô lớn và ngành nghề đặc biệt như Vietnam Airlines khi lên sàn niêm yết HOSE, ngay cả khi free float thấp, vẫn sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Chúng tôi kỳ vọng Vietnam Airlines có thể tận dụng sự tăng trưởng nhanh của nhu cầu vận tải hàng không để tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh doanh", ông Trần Thăng Long cho biết.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đánh giá cao nỗ lực của Vietnam Airlines trong việc cải thiện các chi phí hoạt động. Theo đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu đang giảm dần trong 3 năm trở lại đây, từ mức 9,56% năm 2016 xuống 7,61% năm 2018.

Mặc dù tỷ lệ giảm 1,95% trên doanh thu thuần là một tỷ lệ khiêm tốn về mặt tương đối, nhưng nếu xét trên tổng doanh thu 2018 (98.950 tỷ đồng) thì doanh nghiệp đã tiết kiệm được đến gần 1.900 tỷ đồng, tương đương gần 58% lợi nhuận trước thuế của cả năm 2018, là mức rất tích cực về hiệu quả hoạt động.

Điều này là nhờ vào việc đẩy mạnh bán vé qua các kênh online, siết chặt chi phí trong các khâu quản trị, hạn chế trong việc tuyển mới lao động…

Song song với đó, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines có xu hướng giảm mạnh. Nếu như tỷ lệ này vào năm 2015 là 5,13 lần thì năm 2018 chỉ còn 2,07 lần. Tỷ lệ nợ vay giảm nhờ vào nguồn khấu hao lớn từ đội bay, lợi nhuận để lại tốt và phát hành tăng vốn điều lệ.

Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây (2016-2018), Vietnam Airlines đã thay đổi hình thức từ mua sở hữu hoặc thuê tài chính (vốn vẫn phải ghi nhận khấu hao và tăng nợ vay) sang hình thức Sale&Leaseback (SLB) hoặc thuê vận hành khi muốn mở rộng đội bay. Do đó, tỷ lệ nợ vay không bị tăng và có thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động SLB.

Thị trường sôi động, cơ hội rộng mở

Năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại của ngành hàng không Việt Nam, tuy nhiên đây vẫn là thị trường vô cùng rộng lớn với nhu cầu đi lại đường hàng không được dự báo tăng trưởng với CAGR là 11,2% đến năm 2020 (theo Cục hàng không dân dụng Việt Nam).

Theo đó, Vietnam Airlines tiếp tục khẳng định đẳng cấp của hãng hàng không 4 sao, hướng đến chinh phục 5 sao sau năm 2020 với các dịch vụ cao cấp, sang trọng tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập cao.

Cùng lúc, Jetstar Pacific - hãng hàng không trong phân khúc giá rẻ - đã vươn lên có lãi hơn 34 tỷ trong năm 2018 từ mức lỗ gần 350 tỷ đồng năm 2017 nhờ các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật, tái cơ cấu và cải cách trong các khâu vận hành.

BSC đánh giá, Vietnam Airlines sẽ hưởng lợi trực tiếp từ mức tăng trưởng chung của ngành nhờ sở hữu mạng đường bay rộng.

Với chiến lược thương hiệu kép, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có thể bao phủ toàn bộ dải sản phẩm, phục vụ mọi đối tượng khách hàng tại thị trường nội địa thông qua mạng bay rộng và tần suất bay dày đặc.

Trên thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đang dẫn đầu về số lượng đường bay thẳng, cung cấp đa dạng điểm đến với giờ bay "đẹp" cùng chất lượng dịch vụ 4 sao của Skytrax. Hãng đã và đang mở thêm các đường bay thẳng, đẩy mạnh các thị trường có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, châu Âu…

Với sự rộng mở của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đặt mục tiêu lượt khách năm 2019 đạt 25 triệu lượt, tăng 14% so với năm trước.

Bước chuyển mình trên sàn chứng khoán

Việc HVN chuyển sàn lên HOSE không chỉ là một động thái "nâng vị thế" cho cổ phiếu, mà cùng với câu chuyện thoái vốn nhà nước, cơ hội đang thực sự mở ra để HVN có thể lọt vào các rổ chỉ số lớn và được các quỹ đầu tư, nhà đầu tư ngoại mua vào.

Tuy nhiên, BVSC đánh giá, trong điều kiện free float tăng lên do Nhà nước thoái vốn thì HVN có khả năng lọt vào các bộ chỉ số nói trên. Theo quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, tỷ lệ vốn nhà nước tại HVN sẽ giảm về 51% vào năm 2019 (tương đương với tỷ lệ thoái 35,19%).

Bên cạnh cơ hội đến từ sàn chứng khoán, những tín hiệu tốt đẹp của hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ số tài chính, sự đầu tư vào đội bay hiện đại và công tác nâng cấp chất lượng dịch vụ đã giúp thương hiệu Vietnam Airlines nâng tầm giá trị, góp phần vào triển vọng gia tăng của giá cổ phiếu.

Năm 2018, thương hiệu Vietnam Airlines đạt 416 triệu USD theo đánh giá của Brand Finance, nằm trong Top 10 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines được HNX vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp UPCoM công bố thông tin minh bạch và công khai giai đoạn 2017-2018.