15:29 29/08/2007

Có thể thay đổi phương pháp tính CPI

Đề xuất về việc thay đổi phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang được xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ

Phương pháp mới được đề xuất là tính CPI theo bình quân tháng.
Phương pháp mới được đề xuất là tính CPI theo bình quân tháng.
Theo tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, đề xuất về việc thay đổi phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang được xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ. Nguyên tắc của phương pháp mới là đảm bảo tuân thủ theo đúng thông lệ quốc tế, loại bỏ những hạn chế của phương pháp tính hiện tại mà Việt Nam đang áp dụng.

Ông Trần Kim Đồng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, phương pháp tính CPI mà Việt Nam đang áp dụng là tính chỉ số CPI bình quân so với tháng 12 của năm trước. Với phương pháp tính này, chỉ số CPI bị tác động rất lớn bởi giá cả của tháng 12.

“Đặc biệt, với đặc thù của Việt Nam có dịp Tết Nguyên đán, tháng 12 là tháng áp Tết, nên giá cả luôn có xu hướng tăng cao. Do vậy, nếu so với tháng 12 hàng năm, thì tốc độ tăng của các tháng sau đó thường là thấp, nhưng khi giá cả các tháng sau Tết hạ xuống, thì tốc độ tăng giá của các tháng sau đó lại cao. Các nước đã không dùng phương pháp tính so với tháng 12 hàng năm, bởi độ chính xác không cao”, ông Đồng phân tích.

Phương pháp mới được đề xuất là tính CPI theo bình quân tháng. Có nghĩa là, CPI của các tháng so với cùng kỳ năm trước rồi chia bình quân. Đây là cách tính mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng để tính CPI. Với phương pháp được đề xuất này, tác động của việc tăng giá vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam sẽ được loại bỏ khi CPI của các tháng được so sánh với nhau (thay vì so với tháng 12 của năm trước).

Điều quan trọng là, khi áp dụng theo thông lệ quốc tế, thì cơ sở so sánh CPI của Việt Nam và các nước sẽ đảm bảo nguyên tắc trên cùng một phương pháp tính, tránh tình trạng luôn có những sự khác biệt khi phân tích về chỉ số này của các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Đương nhiên, sự thay đổi về phương pháp tính CPI sẽ kéo theo sự thay đổi về kết quả. Ông Đồng cho biết, theo cách tính của phương pháp mới này, CPI của Việt Nam năm 2007 dự kiến sẽ vào khoảng 7,5-8%. Tỷ lệ này có sự khác biệt rõ ràng với mức dự tính khoảng 8,4-8,5% khi tính bằng phương pháp hiện tại.

Cũng cần nói thêm rằng, các tính toán của các chuyên gia nghiên cứu dựa trên dự báo về khả năng có sự đột biến về CPI của các tháng cuối năm nay là không cao do các yếu tố tăng giá của một số mặt hàng có mức tăng cao trong những tháng vừa qua, đặc biệt là lương thực, thực phẩm không còn quá lớn. Và như vậy, với phương pháp tính mới, CPI năm 2007 hoàn toàn không nằm trong vùng lo ngại lớn khi tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, sẽ không thể thay thế ngay lập tức phương pháp tính CPI mới mà không có một khoảng thời gian quá độ nhất định, có nghĩa là vẫn song hành công bố hai kết quả từ hai phương pháp tính khác nhau.

Theo ông Đồng, điều này là do các nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô cần phải có ý kiến và phải chuẩn bị dư luận cho việc thay đổi cách tính này. Đặc biệt, trong trường hợp phương pháp tính mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng thì việc tuyên truyền cần phải được thực hiện kỹ càng, tránh dư luận không tốt khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thay đổi.