Có tình trạng người nước ngoài góp vốn kinh doanh mại dâm trá hình
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... có sự xuất hiện của một số đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam, góp vốn thành lập các nhà hàng, khách sạn, vũ trường, chuyên phục vụ cho người nước ngoài, song thực chất là hoạt động mại dâm trá hình, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trong năm 2023.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm qua, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước ước tính có gần 9.600 người bán dâm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều, do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.
Tình hình tệ nạn mại dâm nơi công cộng hiện nay đang có chiều hướng giảm, ít lộ liễu công khai so với trước đây. Hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang hình thức biến tướng như “Sugar daddy”, "Sugar baby", “bố nuôi”, “con nuôi"...
Mại dâm núp bóng (bằng hình thức kích dục, cho nữ vũ công múa khỏa thân, khiêu dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê đèn mờ, cà phê chòi, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, beer club...Địa bàn hoạt động mại dâm chủ yếu ở các xã, phường, thị trấn có khu công nghiệp tập trung, địa bàn giáp ranh giữa các địa phương.
Hoạt động mại dâm thông qua các địch vụ ăn uống, massage, cà phê, lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo...), người bán dâm tự móc nối với khách, hoặc thông qua sự quen biết, thỏa thuận giá cả từ trước, hoặc thông qua môi giới (trong nước, ngoài nước) và cùng nhau vào nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, chung cư, khu biệt thự, nhà ở, căn hộ cao cấp, trên tàu biển, tàu du lịch, đi theo tour du lịch ra nước ngoài... để thực hiện hành vi mua bán dâm.
Đáng chú ý, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... có sự xuất hiện của một số đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam, góp vốn thành lập các nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường,... chuyên phục vụ cho người nước ngoài, nhưng thực chất là hoạt động mại dâm trá hình.
Đặc biệt, trong thời kỳ phát triển mạng xã hội, loại hình mại dâm lợi dụng không gian mạng để hoạt động đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng internet để hoạt động mại dâm thông qua trang web đen, các hội nhóm kín trên trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Viber, Telegram, Tiktok,... để quảng cáo, chào mời khách mua dâm, đăng tin về gái mại dâm, hoặc qua đối tượng môi giới là các thành viên của trang web sex.
Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng thông tin giả, số điện thoại rác, nick ảo để đăng bài, đăng ký vào các hội nhóm đăng tin để tìm khách mua dâm diễn biến tương đối phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động mại dâm trên các tuyến biên giới vẫn diễn ra với mức độ nhỏ lẻ, hình thức kín đáo, thủ đoạn tinh vi, chủ yếu ở khu vực có các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí ven biển tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Đối tượng tổ chức mại dâm và đối tượng bán dâm chủ yếu từ các địa bàn nội địa.
Ngoài ra, hoạt động mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục cũng tiềm ẩn từ các hoạt động môi giới, đưa đón người sang các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines..., với các chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn quốc hiện có 107.235 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó, 65.332 cơ sở lưu trú, 15.425 cơ sở karaoke và massage, 128 vũ trường, quán bar, 26.350 các loại hình khác (cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa...).
Thông qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.211 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm vi phạm (giảm 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Hiện trên địa bàn cả nước vẫn còn tồn tại 184 tụ điểm, địa bàn có hoạt động mại dâm khu vực công cộng. Tuy nhiên, không có tụ điểm nóng, phức tạp, gây bức xức dư luận.
Các đối tượng tội phạm có xu hướng chuyển sang hoạt động trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Viber, Telegram).