Có Tổng thống mới, Chile liệu có phê chuẩn CPTPP?
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Gabriel Boric, 35 tuổi, cho biết chính quyền của mình sẽ không ký kết các hiệp định thương mại tự do, bao gồm CPTPP...
Theo Nikkei Asia, việc Nghị sĩ cánh tả Gabriel Boric giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Chile làm dấy quan ngại về khả năng nước này có thể không phê chuẩn tư cách thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Boric, dự kiến nhậm chức vào tháng 3/2022, có kế hoạch tạo ra những thay đổi lớn trong chương trình nghị sự kinh tế của quốc gia Nam Mỹ. Trước đó, trong các cuộc vận động tranh cử tranh cử, ông cho biết chính quyền của mình sẽ không ký kết các hiệp định thương mại tự do, bao gồm CPTPP.
Sau khi giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tháng trước, chính trị gia này đã hạn chế đưa ra những phát ngôn táo bạo về chính sách thương mại để thu hút các cử tri ôn hòa, đồng thời cam kết sẽ “không đưa ra những thay đổi đơn phương” trong các thỏa thuận thương mại với những quốc gia khác.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống đắc cử Chile có thể sẽ khẳng định lập trường cứng rắn về thương mại sau khi nhậm chức.
Theo các nhà phân tích, việc ông Boric trở thành nhà lãnh đạo mới có thể thay đổi đáng kể đường hướng chính sách của Chile.
Trong giai đoạn Tướng Augusto Pinochet cầm quyền từ năm 1973 đến 1990, Chile đã triển khai chương trình nghị sự kinh tế do các học giả của Đại học Chicago (Mỹ) khuyến nghị, trong đó ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc thương mại và đầu tư.
Sau khi chuyển sang chính quyền dân sự, Chile tiếp tục phát triển nền kinh tế với các chính sách tạo điều kiện cho thương mại tự do và kinh tế thị trường. Chile hiện là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và là một trong những quốc gia giàu có nhất tại khu vực Mỹ Latin.
Trong bài phát biểu ngay sau khi kết quả bầu cửa được công bố vào đêm ngày 19/12, ông Boric – 35 tuổi, là Tổng thống trẻ nhất của Chile – nhắc lại cam kết sẽ giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo và đặt ra một tầm nhìn mới cho đất nước dựa trên công lý với “những bước đi ngắn nhưng chắc chắn”.
Trong các cuộc vận động tranh cử trước đó, ông cam kết sẽ "chôn vùi" mô hình kinh tế tân tự do mà chế độ độc tài của Tướng Pinochet để lại, tăng thuế với giới siêu giàu để đầu tư cho các dịch vụ xã hội, giải quyết sự bất bình đẳng đồng thời đẩy mạnh bảo vệ môi trường.
Được bầu làm tổng thống với tỷ lệ cách biệt bất ngờ, ông Boric khẳng định sẽ gia tăng áp lực với các nhà đầu tư để họ có trách nhiệm hơn với môi trường bởi ông không muốn có những dự án “hủy hoại đất nước”.
Nhận định ngược lại với quan điểm của tân Tổng thống, ông Rodrigo Vergara, Thống đốc ngân hàng trung ương Chile nhiệm kỳ 2011-2016 cho rằng nước này nên đẩy nhanh việc phê chuẩn CPTPP và mở rộng mạng lưới các thỏa thuận thương mại tự do.
"Chile là một quốc gia nhỏ và chúng tôi nên mở cửa đất nước hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Vergara nhận định với Nikkei Asia.
CPTPP được ký kết tại Chile vào tháng 3/2018 với sự tham gia của 11 quốc gia gồm Chile, Australia, Brunei, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tại Chile, tiến trình phê chuẩn hiệp định này đang rơi vào tình trạng trì trệ trong cơ quan lập pháp.