10:51 31/07/2021

Coca-Cola cùng loạt thương hiệu lớn đua nhau gia nhập sân chơi NFT

Ngọc Trang

Các thương hiệu từ Coca-Cola, Campbell’s cho tới Dolce & Gabbana đều đã tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình, đánh dấu bước đi đầu tiên trong thế giới tài sản số...

Các NFT trong bộ sưu tập của Coca-Cola - Ảnh: Coca-Cola
Các NFT trong bộ sưu tập của Coca-Cola - Ảnh: Coca-Cola

Hãng nước giải khát khổng lồ Coca-Cola vừa phát hành một bộ sưu tập kỹ thuật số NFT để bán đấu giá và quyên góp số tiền bán được cho Thế vận hội đặc biệt quốc tế - sự kiện thể thao dành cho người khuyết tật trí tuệ. 

NFT (viết tắt của Non-fungible token) là chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép, một loại tài sản kỹ thuật số sử dụng công nghệ chuỗi khối. Từ đầu năm nay, NFT bắt đầu gây sốt khi được nhiều nghệ sĩ cũng như người đam mê tiền ảo đua nhau tung ra.

Sự quan tâm lớn dành cho loại tài sản số này khiến nhiều thương hiệu từ hãng khoai tây chiên Pringles cho tới công ty giải trí Superplastic đã tạo ra NFT của riêng mình nhằm khai phá thế giới văn hóa dựa trên tiền ảo. 

Bộ sưu tập NFT đầu tiên của Coca-Cola gồm máy bán hàng tự động cổ điển của Coca-Cola, áo khoác bong bóng (lấy cảm hứng từ đồng phục giao hàng cũ của công ty), đồng hồ đeo tay, thẻ mua hàng Coca-Cola những năm 1940 và tệp âm thanh mở nắp chai hoặc âm thanh rót nước ngọt trên đá. Phiên đấu giá của Coca-Cola kéo dài từ ngày 30/7 đến 2/8 trên OpenSea - nền tảng mua bán NFT và các bộ sưu tập tiền số khác. 

“Mỗi NFT được tạo ra để tôn vinh những yếu tố cốt lõi của Coca-Cola được tái hiện lại trên thế giới ảo theo cách mới và thú vị hơn. Chúng rất vui khi tham gia lĩnh vực này và chia sẻ những NFT đầu tiên của mình đến mọi người”, Selman Careaga, chủ tịch thương hiệu Coca-Cola toàn cầu, cho biết.

Còn Joshua Schwarber, Giám đốc cấp cao về thiết kế kỹ thuật số toàn cầu của Coca-Cola, cho biết đây là cơ hội để công ty khám phá những điều mới mẻ mà thế giới số mang lại cho khách hàng, là sự giao thoa tuyệt vời giữa hình thức, chức năng và thẩm mỹ. 

Coca-Cola từ lâu đã thường xuyên sáng tạo và bán các bộ sưu tập trong thế giới thực. Trên trang web của công ty, một bản in các bức tranh vẽ các chai Coca-cola của họa sĩ nổi tiếng Norman Rockwell phiên bản giới hạn được bán với giá 400 USD hay một hộp làm mát bằng nhựa German Trink cổ điển có giá 550 USD. 

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thương hiệu Coca-Cola đã tạo ra những món đồ sưu tầm và được yêu thích trong suốt 3 thế qua. Đó là vào những năm 1800, 1900 và bây giờ chúng tôi đang xem xét cách tạo ra một NFT phản ánh tình yêu đối với thương hiệu này trong một khoảng thời gian như vậy. Theo đúng nghĩa đen, chúng tôi đang tạo ra những NFT vượt thời gian - nó không tồn tại trong thế giới thực ngày nay, nhưng ở thế kỷ tiếp theo, thì nó trông như thế nào?”, Matt Wilburn, chủ tịch của Tafi, chia sẻ. 

Theo Oana Vlad, Giám đốc chiến lược cấp cao thuộc bộ phận Thương hiệu của Coca-Cola, không gian NFT thay đổi nhanh tới mức công việc hàng ngày của công ty phải thay đổi “gần như mỗi ngày”, nhanh hơn nhiều so với các dự án khác.

Coca-Cola cùng loạt thương hiệu lớn đua nhau gia nhập sân chơi NFT - Ảnh 2
Coca-Cola cùng loạt thương hiệu lớn đua nhau gia nhập sân chơi NFT - Ảnh 3
 

2 NFT trong bộ sưu tập NFT của Coca-Cola - Ảnh: Coca-Cola

Coca-Cola là một trong nhiều thương hiệu nổi tiếng gia nhập sân chơi NFT năm nay. Hôm 29/7, hãng súp Campbell’s đã làm việc với nghệ sĩ Sophia Chang và ứng dụng mua sắm qua video NTWRK để tạo ra bộ sưu tập NFT để kỷ niệm sản phẩm súp  mới ra mắt của công ty. 

Còn chuỗi nhà hàng ăn nhanh Taco Bell là một trong những công ty đầu tiên gia nhập sân chơi NFT khi ra mắt một loạt NFT của món bánh taco “phiên bản giới hạn”. Hay thậm chí những thương hiệu xa xỉ như Dolce & Gabbana cũng đã ra mắt bộ sưu tập thời trang cao cấp phiên bản NFT đầu tháng này. 

NFT xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2017, có thể đại diện cho bất cứ thứ gì, từ âm nhạc, nghệ thuật, thẻ bài bóng rổ hay thậm chí cả dòng đăng tải (tweet) trên Twitter. NTF bắt đầu gây sốt vào đầu năm nay khi một bức tranh ghép dưới dạng NFT của nghệ sĩ Beeple được bán đấu giá gần 70 triệu USD. 

Sau đó không lâu, nhạc sĩ Claire Boucher, còn được biết đến là Grimes và cũng là bạn gái của tỷ phú Elon Musk, cũng bán được NFT của một tác phẩm nghệ thuật với giá 6 triệu USD. Một số NFT đắt giá khác có thể kể đến như dòng Tweet đầu tiên của Jack Dorsey, CEO Twitter, được bán với giá 2 triệu USD hay bộ mã nguồn World Wide Web cũng được đấu giá với mức khởi điểm 5,4 triệu USD.

Theo trang Coindesk, những tính chất tạo nên giá trị của NFT bao gồm: không thể phá hủy (bởi dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi khối) và có thể xác minh (bởi blockchain cho phép truy xuất ngược nguồn gốc của sản phẩm mà không cần qua một bên thứ ba). Bên cạnh đó, không giống các loại tiền ảo, NFT là duy nhất và không thể sao chép. Do đó, các nhà đầu tư NFT có thể thu giá trị từ sự độc nhất này, tương tự như việc mua bán các món hàng sưu tầm. Nơi giao dịch NFT chủ yếu là các sàn thương mại điện tử, cho phép người mua đấu giá, mua và bán lại chúng.

Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng không ai thể bảo đảm giá trị của các đoạn mã token sẽ tồn tại sau vài chục năm tới bởi công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày. Và một rủi ro khác là, cũng giống như tiền ảo, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào.