16:55 02/10/2013

Cởi áo "tập đoàn xây dựng": Một năm lặng lẽ

Nghệ Nhân

Hai tập đoàn xây dựng vừa trải qua một năm lặng lẽ sau khi Chính phủ cho "kết thúc thí điểm"

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Sau một năm, dường như các tổng công ty mới làm xong việc ổn định tổ chức để hoạt động bình thường trở lại</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Sau một năm, dường như các tổng công ty mới làm xong việc ổn định tổ chức để hoạt động bình thường trở lại</span>
Tròn một năm trước (2/10/2012), với thông báo “kết thúc thí điểm”, Chính phủ đã chính thức giải tán Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Tập đoàn Sông Đà) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) sau gần 3 năm “lắp ghép”.

Không nói ra, nhưng điều mà lãnh đạo các tổng công ty cảm nhận được nhiều nhất chính là việc được giải tỏa về tâm lý khi tham gia tập đoàn trước đây, như chính thừa nhận của lãnh đạo Bộ Xây dựng trong tờ trình gửi Chính phủ về việc xin ngừng thí điểm thành lập hai tập đoàn xây dựng.

Như VnEconomy từng đề cập, trường hợp của Lilama có lẽ là rất đáng chú ý: trước thời điểm được “ghép” vào Sông Đà, Lilama cũng từng là một tổng công ty mạnh của ngành xây dựng và bản thân tổng công ty này cũng đã có… đề án thành lập Tập đoàn Lilama chuyên về lắp máy và công nghiệp nặng. Về với Sông Đà, về tổ chức thì chịu phận “làm con”, về nhân sự thì chịu phận “làm phó” là một trải nghiệm khó nuốt trôi với những lãnh đạo cũ của Lilama.

Khi ký tờ trình xin kết thúc thí điểm hai tập đoàn xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh tới các khía cạnh tài chính bị cho là “kém đi” của hai tập đoàn, chẳng hạn tỷ suất lợi nhuận trên/vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt thấp và giảm sút nhiều so với trước do phải gánh thêm những tồn tại, yếu kém về tài chính của một số Tổng công ty con trước đây; tình trạng mất cân đối tài chính tồn tại từ trước khi gia nhập Tập đoàn do có số lỗ lũy kế lớn…

Ghép vào bị “kém đi” nên mới phải tách ra. Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, sau vài tháng trở về với mô hình cũ, các tổng công ty chưa thể thay da đổi thịt ngay. Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn về các báo cáo tổng kết năm 2013, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay, để có thể đưa ra những nhận định, đánh giá. Cuối năm ngoái, khi đánh giá về tình hình hoạt động kinh doanh, sự kiện "cởi áo tập đoàn" đã được đặt sau hai chữ "mặc dù" như là để nói về một khó khăn.

Rủi thay, trong một năm mà lĩnh vực xây dựng và địa ốc, hai cứu cánh cho các tổng công ty xây dựng lâu nay, vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng, tình hình tài chính của các tổng công ty vừa được tách ra được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn.

Sau một năm, dường như các tổng công ty mới làm xong việc ổn định tổ chức để hoạt động bình thường trở lại. Những mục tiêu quan trọng hơn theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó quan trọng nhất là cổ phần hóa, vẫn mới chỉ là mục tiêu. Mọi sự tập trung của ban lãnh đạo các tập đoàn dường như đang được dành nhiều hơn cho các dự án dang dở, cho các khoản công nợ…

Nhìn về phía trước, với việc giải tán hai tập đoàn xây dựng, hiện còn 9/11 tập đoàn kinh tế nhà nước. Hơn nữa, như tuyên bố của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong năm 2012, Chính phủ sẽ chỉ giữ lại từ 5 đến 7 tập đoàn kinh tế.

Hiện công luận đang dồn sự chú ý cho trường hợp Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, một tập đoàn mà dù nợ nần chồng chất, vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa thể cởi chiếc áo tập đoàn. Nhưng với những động thái gần đây, việc giải tán tập đoàn này, trả lại mô hình tổng công ty như trước dường như chỉ còn là vấn đề thủ tục.

Không như trường hợp Sông Đà hay HUD được “lắp ghép” từ các tổng công ty, Vinashin nhảy một bậc từ tổng công ty lên tập đoàn, và các công ty con cũng nhảy lên cấp tổng công ty như trường hợp Tổng công ty CNTT Bạch Đằng hay Tổng công ty CNTT Nam Triệu. Nay, nếu Vinashin về lại tổng công ty, các doanh nghiệp từng được nâng cấp sẽ cùng nhau… nhảy xuống!

Câu chuyện về Vinashin hay số phận các tập đoàn kinh tế sẽ là gợi ý cho những tranh luận tiếp theo trong thời gian tới.