08:26 21/06/2013

Cơn bão mới trên thị trường xăng dầu thế giới

Thanh Hải

Giá dầu New York giảm tới 3,4% trong khi giá xăng giảm 3,5% và giá dầu Brent Biển Bắc hạ mạnh 3,7%

Việc thị trường lao động Mỹ suy yếu đã giáng thêm một đòn vào đà bán tháo 
trên thị trường dầu, vốn đã lung lay dữ dội sau thông tin sản xuất ở Trung Quốc đi xuống trong tháng 6.
Việc thị trường lao động Mỹ suy yếu đã giáng thêm một đòn vào đà bán tháo trên thị trường dầu, vốn đã lung lay dữ dội sau thông tin sản xuất ở Trung Quốc đi xuống trong tháng 6.
Phiên giao dịch hàng hóa quốc tế đêm qua (20/6), giá dầu thô hợp đồng giao sau giảm mạnh sau khi có các tin tức cho thấy sản xuất ở Trung Quốc tiếp tục suy giảm và nguy cơ Mỹ rút bỏ các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.

Cụ thể, kết thúc ngày 20/6, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm tới 2,84 USD, tương ứng với mức 2,9%, xuống còn 95,40 USD mỗi thùng. Đây là mức giảm lớn nhất của dầu thô kỳ hạn loại này kể từ phiên 7/11/2012 cho tới nay. Hợp đồng dầu tháng 7 đã hết hạn sau phiên giao dịch ngày 20/6.

Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 8 trên sàn hàng hóa New York giảm tới 3,34 USD, tương ứng với mức 3,4%, xuống 95,14 USD mỗi thùng. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London, giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm tới 3,97 USD, tương ứng 3,7%, còn 102,15 USD. Hiện chênh giá giữa dầu thô New York và dầu Brent còn hơn 6 USD.

Theo các nhà phân tích, những rủi ro về nền kinh tế thế giới cùng mức tăng mạnh của đồng bạc xanh đang tạo nên một cơn bão mới trên thị trường dầu. Hôm qua, Mỹ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 15/6 đã tăng 18.000 lên con số 354.000 người, vượt xa con số dự báo của giới phân tích.

Các nhà chuyên môn cho rằng, việc thị trường lao động suy yếu đã giáng thêm một đòn vào đà bán tháo trên thị trường dầu, vốn đã lung lay dữ dội sau thông tin về tình hình sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua.

Đầu phiên giao dịch, thị trường năng lượng chịu tác động mạnh từ thông tin cho thấy hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục trì trệ hơn. Chỉ số quản lý sản xuất sơ bộ do ngân hàng HSBC công bố đã giảm xuống còn 48,3%, mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Chỉ số này trong tháng 5 liền trước đã ở mức 49,2%.

Tình hình sản xuất yếu kém tại Trung Quốc đã nhấn chìm những báo cáo về triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, giữa lúc có thông tin cho thấy các kho dự trữ dầu thô tại Mỹ đang ngày một đầy hơn. Theo báo cáo công bố hôm 19/6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, cung dầu tuần qua đã tăng 300.000 thùng, lên 394,1 triệu thùng.

Mặc dù số liệu kinh tế mạnh hơn có ý nghĩa tích cực đối với triển vọng tiêu thụ dầu thô, nhưng lại khiến các nhà đầu tư năng lượng lo ngại rằng điều này sẽ dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm rút bỏ các biện pháp kích thích tăng trưởng, bao gồm kế hoạch thu mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng, ngay vào cuối năm 2013 này.

Phát biểu hôm 19/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết, các nhà hoạch định chính sách có thể đi đến hành động cắt giảm dần biện pháp kích thích tăng trưởng vào cuối năm nay và hướng tới chấm dứt hoàn toàn các chương trình này vào giữa năm 2014, nếu như nền kinh tế đầu tàu có dấu hiệu đã thực sự đủ mạnh mẽ.

Tuyên bố của ông Bernanke đã nhấn chìm thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng thời đẩy giá đồng USD tăng vọt, gây sức ép lớn lên thành giá cả các mặt hàng năng lượng. Phiên hôm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh Mỹ so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã vọt lên 81,909 điểm, từ 81,301 điểm cuối ngày 19/6.

Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York đêm qua, giá xăng giao tháng 7 giảm 10 cent, tương ứng 3,5%, còn 2,79 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn cũng mất tới 10 cent, tương ứng với mức 3,4%, xuống còn có 2,87 USD mỗi gallon. Giá khí tự nhiên giao tháng 7 giảm 8 cent, tương ứng 2%, xuống còn 3,88 USD/ triệu BTU.