17:40 13/04/2018

Con người và công nghệ, yếu tố then chốt để tăng năng suất lao động

Duyên Duyên

Con người và công nghệ chính là hai yếu tố then chốt mà Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp phải quan tâm, đào tạo và đầu tư dài hạn

Ảnh: Quang Phúc.
Ảnh: Quang Phúc.
Để cải thiện, nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, con người và công nghệ chính là hai yếu tố then chốt mà Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp phải quan tâm, đào tạo và đầu tư dài hạn.


Muốn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải nâng cao năng suất lao động, điều này đã được các chuyên gia khẳng định tại Diễn đàn CEO năm 2018 chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/4.

Tuy nhiên "Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động?", là câu hỏi được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đưa ra để các chuyên gia cùng thảo luận.

Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Egroup, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax cho rằng, con người và công nghệ chính là hai yếu tố then chốt để năng suất lao động  của Việt Nam tiến xa hơn.

"Con người là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang kêu gọi đầu tư nước ngoài. Với chỉ số năng suất lao động thấp thì chúng ta sẽ thua thiệt khi đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, nên điều bức thiết hiện nay là phải nâng cao năng suất lao động bằng cách đầu tư vào con người, vào nguồn nhân lực", ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng ví von, nếu nói Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng đang khai thác thô rất rẻ, thì năng suất lao động của người Việt Nam cũng tương tự như vậy, đang rất rẻ.

"Chúng tôi ra nước ngoài nghe nói về năng suất lao động của Việt Nam thì rất đau, nhưng nhìn lại thì điểm mạnh của Việt Nam là có dân số trẻ nên sẽ là điều kiện để phát triển kinh tế. Dân số trẻ nên có thể thay đổi được, trẻ thì nhanh, nên đây là yếu tố quan trọng.

Nếu doanh nghiệp coi con người là tài sản quan trọng nhất thì hãy coi con người là khoản đầu tư, đào tạo con người, nâng cao năng lực của con người Việt Nam. Đây là động lực, sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư vào công nghệ, phải làm chủ công nghệ thì mới tạo đà cho phát triển", ông Thủy nói.

Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cũng nhấn mạnh, con người là điểm quan trọng nhất để tăng năng suất lao động.  Theo đó, đào tạo phải được coi là đầu tư chứ không phải là chi phí.

"Nhiều lần, tôi đi khảo sát doanh nghiệp nhận được câu hỏi: anh/chị đang đầu tư gì cho mình? anh/chị đang có những dự án gì lớn nhất cho doanh nghiệp của mình… Và rất nhiều dự án được liệt kê, nhưng không có mục đào tạo về nguồn nhân lực.

Cho nên phải có định hướng phát triển dài hạn, phải tăng năng suất lao động dựa trên phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, một yếu tố nữa để tăng năng suất lao động là phải quản trị hiệu quả, không phải chỉ với những doanh nghiệp lớn mà cả với những doanh nghiệp nhỏ, đang khởi nghiệp", bà Thanh cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc và ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bổ sung thêm yếu tố thứ ba để tăng năng suất lao động là phải cải cách về thể chế chính sách.

"Chúng ta kêu gọi trang bị tài sản thì nâng cao nhưng phải có chính sách thế nào để doanh nghiệp nâng cao công nghệ. Chẳng hạn như, nếu doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nâng cao khoa học công nghệ mà mức thuế giảm 5% thì khoản này đầu tư vào nâng cao khoa học công nghệ. Để nâng cao năng suất lao động thì yếu tố là chính sách đồng bộ, phù hợp, đổi mới thể chế", ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse cũng trăn trở, tăng năng suất lao động thì cần nhiều giải pháp, nhưng cái gốc của các vấn đề nằm ở đâu?

"Tại sao cùng người Trung Quốc, Đài Loan 50 năm thôi đã cách chúng ta hàng trăm lần. Gốc từ đâu? Đây là cái quan trọng. Tôi cho rằng, chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, công bằng, thể chế sẽ sản sinh ra những người xuất sắc nhất, để lãnh đạo doanh nghiệp. Phải tạo thể chế để gắn lợi ích người dân đến người quản lý, quốc gia. Đây là cái gốc rễ của vấn đề", ông Phú nhận định.