17:14 23/10/2014

“Con số thống kê khai tài sản là không trung thực”

Bảo Quyên

Thống kê số cán bộ, công chức phải kê khai tài sản đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận

Trong số gần 1 triệu người đã kê 
khai tài sản chỉ có 5 người phải xác minh lại, 1 trường hợp sai 
phạm.
Trong số gần 1 triệu người đã kê khai tài sản chỉ có 5 người phải xác minh lại, 1 trường hợp sai phạm.
“Tôi cho rằng con số gần 1 triệu người đã kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 người phải xác minh, 1 người bị phát hiện kê khai gian dối là con số không trung thực”.

Đó là khẳng định của Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Cục 4) - Thanh tra Chính phủ, ông Phí Ngọc Tuyển với báo giới sáng 23/10, trước con số thống kế gây nhiều tranh cãi trong dư luận nói trên.

Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, việc yêu cầu cán bộ kê khai tài sản và hiệu quả của nó đến đâu là vấn đề đã được Chính phủ cũng như ngành thanh tra đặt ra từ trước trong đó vấn đề liệu nó có hiệu quả không, có trung thực không… cũng làm đau đầu cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, sau một thời gian tiến hành kê khai tài sản với gần 1 triệu người đã kê khai, nhưng trong đó chỉ có 5 người phải xác minh lại, 1 trường hợp sai phạm.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã sơ bộ rà soát lại các quy định, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó phân các giải pháp thành 3 nhóm: Nhóm tương đối hiệu quả, nhóm trung bình và nhóm hiệu quả không cao. Trong đó, việc kê khai tài sản của cán bộ nằm trong nhóm 3 – tức hiệu quả không cao.

Tuy nhiên, theo ông Tuyển, giữa chính sách và thực tế luôn có độ trễ nhất định, hơn nữa thống kê trên là của năm 2013, trong khi trong thời gian qua, ngành thanh tra đã có nhiều cải biến, nỗ lực với nhiều giải pháp mạnh hơn nhằm ngăn ngừa tham nhũng. “Hy vọng trong thời gian tới sẽ có kết quả tốt hơn trong phòng chống tham nhũng”, ông Tuyển nói.

Trao đổi thêm về nội dung này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho hay, thực tế trên thế giới, có một số nước áp dụng kê khai tài sản cán bộ để ngăn ngừa tham nhũng, nhưng cũng có nhiều nước không áp dụng.

Riêng ở Việt Nam, việc kê khai tài sản không phải là vấn đề mới vì từ trước đến nay, trong phần kê khai lý lịch đều có mục “hoàn cảnh kinh tế”. Còn về luật pháp, từ năm 1998, từ khi Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng đã xác định rõ dần, sau đó đến Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2012 đã quy định cụ thể “cán bộ công chức phải công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác”.

Còn việc liệu “kê khai tài sản có hiệu quả không, ông Lượng đồng tình với phát biểu của Phó cục trưởng Cục 4 và cho biết, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ phải nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mới để tăng tính hiệu quả của chống tham nhũng”.

Mới đây, trong một báo cáo gửi Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả tổng hợp số liệu về kê khai tài sản năm 2013 đối với các đối tượng quy định phải kê khai là 952.178 người thì đã có 944.425 thực hiện kê khai, đạt tỷ lệ 99,2%, trong đó có 5 người phải tiến hành xác minh, 1 người bị phát hiện kê khai không trung thực và bị cảnh cáo.