10:06 23/05/2023

Công an Đà Nẵng triệt phá một đường dây vận chuyển 20.000 giấy tờ, tài liệu giả

Như Nguyệt

Để che mắt lực lượng chức năng khi vận chuyển các loại giấy tờ giả này, các đối tượng bọc kín trong bao ni lông màu đen, bên ngoài được ngụy trang bởi tên mặt hàng là “tranh phong thủy”.

Tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.
Tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.

Sáng 23/5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa phát hiện và làm rõ một đường dây chuyên mua bán, vận chuyển và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức trên khắp cả nước.

Kết hợp với thông tin của Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) khi phát hiện đối tượng có hành vi đặt mua bằng cấp giả để sử dụng trước đó, Phòng An ninh mạng đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, qua đó xác định đối tượng cầm đầu là N.T.C.T (trú quận Bình Thạnh, TP HCM), hiện là chủ của một bưu cục tại địa phương này là đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Tiến hành xác minh, Phòng An ninh mạng xác định, trong quá trình thực hiện công việc của Bưu cục là vận chuyển các loại hàng hóa bình thường khác, T. còn là đầu mối tổ chức mua bán vận chuyển các loại giấy tờ giả

T. tự mình phụ trách việc quản lý, vận chuyển tại TP HCM và các tỉnh lân cận; đồng thời tuyển chọn và kết hợp với P.X.T (trú quận Long Biên, cũng là chủ một bưu cục tại TP Hà Nội) để phụ trách công tác quản lý, vận chuyển ở các tỉnh phía Bắc.

Riêng với các tỉnh, hai đối tượng trên tuyển chọn mỗi tỉnh một người có quen biết, tin tưởng để phụ trách việc vận chuyển nhằm mở rộng mạng lưới. Tại Đà Nẵng, đối tượng B.L (trú quận Hải Châu) được tuyển chọn để phụ trách việc vận chuyển tại đây. 

Để che mắt lực lượng chức năng khi vận chuyển các loại giấy tờ giả này, các đối tượng bọc kín trong bao ni lông màu đen, bên ngoài được ngụy trang bởi tên mặt hàng là “tranh phong thủy”, đây cũng là quy ước tên hàng giữa đối tượng sản xuất và người mua. Nếu hàng được chuyển đến mà bên ngoài không có tên như trên thì tuyệt đối không nhận.

Với mỗi đơn hàng chứa giấy tờ giả được vận chuyển, T. hưởng lợi 24.000 đồng cộng với 1% giá trị đơn hàng. Quá trình điều tra xác định, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, T. đã vận chuyển hơn 20.000 đơn hàng với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc này, Phòng An ninh mạng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những nội dung chào mời mua bán, cung cấp tài liệu, giấy tờ không chính thống trên mạng xã hội. Ngoài ra, việc đặt làm và sử dụng các loại giấy tờ giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời, khi có thông tin về hành vi này, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất nơi mình cư trú.