06:00 12/01/2022

Công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính 2021

Vy Vy

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính 2021 cho thấy số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016, tuy nhiên mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước…

Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ Tổng Điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021.
Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ Tổng Điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021.

Báo cáo sơ bộ Tổng điều tra năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 11/1 cho thấy, cả nước có gần 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 8,0% (444,7 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị tăng 1,9%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm của giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm của giai đoạn 2006-2011.

Số lượng lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là gần 26,0 triệu người, tăng 3,0% (752,8 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng lao động tăng 0,7%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm của giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm của giai đoạn 2006-2011.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng; các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua.

Cụ thể, doanh nghiệp tăng cả về số doanh nghiệp và lao động, trong đó số doanh nghiệp có mức tăng cao nhất trong các loại đơn vị điều tra.

Tính đến 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 35,3% (178,5 nghìn doanh nghiệp) so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 8,7% bình quân năm của giai đoạn 2011-2016.

Trong năm 2020 các doanh nghiệp thu hút trên 14,7 triệu lao động, tăng 4,7% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.

Công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính 2021 - Ảnh 1

Hợp tác xã cũng có mức tăng cao về số lượng đơn vị nhưng giảm mạnh về số lao động.

Năm 2020, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 17,5% (2,3 nghìn đơn vị) so với năm 2016; thu hút 169,6 nghìn lao động, giảm 15,6% (giảm 31,3 nghìn lao động) so với năm 2016. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng chủ yếu với 50,7%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2016 (năm 2016 là 50,8%); ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 18,5%, giảm 1 điểm phần trăm (năm 2016 là 19,5%); ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,8%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm 2016 (năm 2016 là 29,7%).

Bình quân giai đoạn 2016-2020, mỗi năm số lượng hợp tác xã tăng 3,5%, cao hơn mức giảm bình quân 0,8% của giai đoạn 2011-2016; mỗi năm số lao động trong các hợp tác xã giảm 4,4%, trái ngược so với mức tăng bình quân 0,2%/năm của giai đoạn 2011-2016.

Trong khi đó, cơ sở sản xuất cá thể tăng cả về số đơn vị và số lao động nhưng thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây.

Năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tăng 5,7% (tăng 281,1 nghìn cơ sở) so với năm 2016; thu hút trên 8,5 triệu lao động, tăng 3,0% (tăng 246,4 nghìn lao động). Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020, số cơ sở tăng 1,4% và số lao động tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của giai đoạn 2011-2016 lần lượt là 3,0% và 1,8%; giai đoạn 2006-2011 lần lượt là 4,4% và 5,6%.

Trong năm 2020, mặc dù tỷ trọng số lượng cơ sở sản xuất cá thể khá cao, chiếm tới 86,6% trong tổng số đơn vị điều tra nhưng tổng số lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chỉ chiếm khoảng 32,8% trong tổng số lao động của các đơn vị điều tra. Lý do, các cơ sở cá thể thường có quy mô lao động rất nhỏ từ 1,5 đến 1,7 lao động/cơ sở.

Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp có sự sụt giảm về số lượng đơn vị so với năm 2016 (đặc biệt lĩnh vực y tế giảm mạnh do thay đổi phạm vi thu thập thông tin). Trong khi đó, đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có sự sụt giảm về số lượng đơn vị nhưng số lượng lao động lại có sự tăng trưởng so với năm 2016. Đặc biệt, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì đà tăng trưởng cả về số lượng cơ sở và lao động, tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng trái ngược nhau.