Công nghệ đang thúc đẩy đầu tư cho thuê second home
Số lượng phòng cho thuê trên Airbnb tại Việt Nam tăng gấp hơn 40 lần, từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019
Nhà đầu tư mô hình ngôi nhà thứ hai (second home) tận dụng nền tảng dịch vụ cho thuê phòng online trực tiếp kết nối với khách hàng, gia tăng doanh thu.
Công nghệ thúc đẩy dịch vụ cho thuê phòng
Chị Ngô Thơm (ngụ Bình Thạnh, Tp.HCM) kinh doanh mô hình homestay tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã hơn một năm nay. Trong những tháng gần đây, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 70-80%, chủ yếu là khách nước ngoài đặt phòng qua Airbnb, Luxstay và Facebook. Nhờ những nền tảng đặt phòng trực tuyến nên căn nhà của chị Thơm có thể tiếp cận du khách nội địa lẫn xuyên biên giới quanh năm.
Cung cầu trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến luôn sôi động, vì vậy yếu tố mùa cao điểm hay thấp điểm không còn quá rõ nét như trước đây nữa", chị Thơm nhận xét.
Báo cáo của Outbox Consulting ghi nhận chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, số lượng phòng cho thuê trên Airbnb tại Việt Nam tăng gấp hơn 40 lần, từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019.
Cũng theo đơn vị thực hiện khảo sát, sức hấp dẫn của thị trường tự kinh doanh cho thuê phòng đã thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn khai thác chứ không đơn thuần là những hộ gia đình có phòng nhàn rỗi để cho thuê. Hiện có đến 69% lượng cơ sở lưu trú trên Airbnb có từ hai phòng cho thuê trở lên. Thị trường đặt phòng trực tuyến sôi động không kém cạnh hoạt động của khách sạn, resort truyền thống.
Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định các nền tảng OTA đang tạo ra những thay đổi lớn cho thị trường nghỉ dưỡng Việt nam. Bên cạnh ông lớn Airbnb, hàng loạt startup trong và ngoài nước tham gia cuộc chơi cung cấp nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com, Agoda, RedDoorz, Luxstay, OYO, iViVu... khiến thị trường thêm sôi động.
Cơ hội và thách thức
Song song với cơ hội đến từ công nghệ và lượng khách hàng rộng lớn, mô hình tự kinh doanh cho thuê cũng xuất hiện những thách thức. Do tiềm năng lớn, nhiều nhà đầu tư đã tham gia mở phòng, cạnh tranh trên các nền tảng OTA. Điều này khiến việc thu hút du khách khó khăn hơn, buộc chủ nhà phải nỗ lực cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ.
Mặt khác, thách thức còn đến từ thực tế kinh doanh nhỏ lẻ khiến chủ nhà phải dành nhiều công sức hơn trong việc chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và giữ chân du khách. Ở khâu vận hành, các chuỗi khách sạn, resort có sự tham gia của thương hiệu quản lý vận hành quốc tế chiếm ưu thế.
Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp có lợi thế khi triển khai hoạt động dịch vụ cơ sở lưu trú, đảm bảo tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ. Trong lĩnh vực tự cho thuê phòng qua ứng dụng, cũng đã xuất hiện các đơn vị quản lý chuỗi khách sạn như OYO, RedDoorz...
Mặt khác, để có được lợi nhuận cao hơn và thu hút nguồn cầu lớn hơn, đại diện Savills Việt Nam cho rằng các cơ sở lưu trú cần có dịch vụ kèm theo, thị trường du lịch nói chung cũng cần hình thành chuỗi giá trị.
Đại diện Novaland, tập đoàn đang triển khai dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí hàng nghìn hecta NovaWorld tại Phan Thiết và Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm tăng thu hút du khách trong và ngoài nước, đơn vị dành phần lớn diện tích để triển khai chuỗi tiện ích, dịch vụ quy mô lớn đi kèm.
Hệ thống tiện ích không chỉ phục vụ du khách mà còn góp phần tăng giá trị cho nhà đầu tư khi mua dòng sản phẩm second home nằm trong tổ hợp nghỉ dưỡng. Khi sở hữu ngôi nhà thứ hai tại NovaWorld, chủ nhân biệt thự có thể nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần hoặc tự kinh doanh cho thuê trong thời gian không sử dụng. Trong trường hợp không muốn dành nhiều thời gian, công sức để điều hành hoạt động cho thuê, chủ nhà cũng có thể ký gửi cho đơn vị quản lý vận hành dự án.
"Với lợi thế về tập khách hàng quốc tế rộng lớn, lượng khách hàng trung thành cao và những tiêu chuẩn về dịch vụ đã được định sẵn, các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp biết cách tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư", đại diện Novaland cho biết.