Công nghệ nào làm thay đổi hoạt động bán hàng, tiếp thị?
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp bắt đầu triển khai nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, trợ lý kỹ thuật số và robot, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) ....
Đầu tư vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng nhằm xây dựng niềm tin và tăng lòng trung thành với thương hiệu. Ngày càng có nhiều công ty chú trọng việc cung cấp tính tiện lợi với các công nghệ kỹ thuật số. Mặc dù Metaverse - công nghệ của tương lai sẽ phát triển toàn diện hơn trong những năm tới, nhưng các ứng dụng cho AR/VR hiện đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong việc từ thử quần áo, giày dép trước khi mua đến làm việc từ xa trong không gian ảo...
BƯỚC NGOẶT TRONG TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG
Những ứng dụng của thực tế ảo mở rộng có thể cung cấp khả năng dùng thử trực quan, cho phép xem sản phẩm theo mọi góc độ, và có thể trình chiếu sản phẩm trong không gian ba chiều mà khách hàng mong muốn. Đặc biệt, công nghệ thực tế ảo (VR) mang lại lợi ích lớn cho các công ty bất động sản, du lịch và cả các cửa hàng thương mại điện tử khi cho phép khách hàng khám phá môi trường xung quanh từ xa mà không cần phải đến tận nơi.
Theo báo cáo “AR/VR: Kết nối đa chiều mới” của Facebook, 78% người dùng trên toàn cầu cho biết AR là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu và 74% tin rằng AR có thể thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến.
Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam, cho biết 80% người tiêu dùng Việt Nam nghĩ AR có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến và có tới 81% muốn kết nối với các thương hiệu bằng AR và cho rằng đây là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu; 90% người dân sẵn sàng sử dụng các tính năng AR để khám phá thương hiệu. Các công ty như Unilever đã áp dụng quảng cáo AR như một cách để tiếp cận khách hàng và nhận được hơn 11 triệu lượt tương tác trên quảng cáo AR trong chiến dịch Tết Lifebuoy năm ngoái.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ đang tích cực tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) để đổi mới và cạnh tranh bằng việc phân tích hành vi người dùng tại điểm bán nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 trong một số lĩnh vực, ngành hàng cho thấy khi dữ liệu ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, các thương hiệu bắt đầu khám phá những cách mới để tăng mối quan hệ với khách hàng và hiểu rõ hơn về hành vi của họ. Với công nghệ này, các nhà bán lẻ có thể đếm số người và theo dõi hành trình mua hàng; định danh đặc điểm nhân khẩu học khách hàng…
Công nghệ thực tế ảo mang lại lợi ích lớn cho các công ty bất động sản, du lịch và cả các cửa hàng thương mại điện tử... khi cho phép khách hàng khám phá môi trường xung quanh từ xa mà không cần phải đến tận nơi.
Các chuyên gia khẳng định việc phân tích dữ liệu sở thích và hành vi của khách hàng cung cấp cho các nhãn hàng, doanh nghiệp bán hàng một nguồn thông tin giá trị để hiểu biết sâu hơn về khách hàng, có thể đưa ra dự đoán nhu cầu của khách hàng trong tương lai. Các giải pháp liên quan đến dữ liệu lớn cho phép các thương hiệu tối ưu hóa giao tiếp với khách hàng và cung cấp nhiều trải nghiệm được cá nhân hóa hơn, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, các giải pháp được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), như công nghệ học máy (Machine Learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đang trở nên phổ biến và tạo cơ hội cho ngành hàng tiêu dùng. Ngày càng xuất hiện những đơn vị ứng dụng các hệ thống dựa trên việc phân tích giọng nói để hỗ trợ người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm, ngoài các công cụ đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa. Bằng cách triển khai các giải pháp dựa trên AI, các công ty ngành hàng tiêu dùng có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó tăng mức độ hài lòng và giữ chân khách hàng.
Các nhà bán lẻ tốt nhất hiện nay đều đang sử dụng các công nghệ này trong hoạt động kinh doanh. Ông Thông Đỗ, nhà sáng lập và là CEO của Palexy, nhận xét trong những năm tới các chuỗi bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh qua việc tăng cường áp dụng những công cụ chuyển đổi số và phân tích dữ liệu để tối ưu trải nghiệm khách hàng trong cửa hàng, trước khi tiến tới nâng cao trải nghiệm đa kênh.
THAY ĐỔI TRONG CÁCH BÁN HÀNG, KINH DOANH TIẾP THỊ
Với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và hành vi người dùng, các doanh nghiệp, nhãn hàng luôn phải tối ưu nguồn lực của mình và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển. Việc ứng dụng công nghệ mới như IoT, AR, Big Data, AI, Machine Learning… giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số.
Môi trường kỹ thuật số cũng là nơi doanh nghiệp có thể quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể với chi phí tối ưu, mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Đại diện của Haravan cho rằng giai đoạn 2022-2025 sẽ cho thấy thị trường và hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, bán lẻ. Vì vậy, để tăng trưởng trong xu thế này, người kinh doanh và doanh nghiệp cần có một mô hình kinh doanh liên tục thích ứng, đặt khách hàng vào trung tâm bằng cách kết hợp công nghệ, thương mại, sản xuất, logistics…
Theo chuyên gia này, công nghệ tiếp thị và bán hàng là một phần quan trọng không thể thiếu để có thể hiểu khách hàng, dự đoán nhu cầu, đáp ứng khách hàng một cách tốt nhất và đúng thời điểm, mang lại sự phát triển vượt trội cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Công nghệ tiếp thị và bán hàng là một phần quan trọng không thể thiếu để có thể hiểu khách hàng, dự đoán nhu cầu, đáp ứng khách hàng một cách tốt nhất và đúng thời điểm, mang lại sự phát triển vượt trội cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Còn theo PrimeData, trong thời kỳ VUCA (viết tắt từ các từ tiếng Anh, có nghĩa: biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ), thì năng lực khai thác công nghệ dữ liệu khách hàng và nền tảng số trong tiếp thị- kinh doanh đa kênh là nền tảng cốt lõi giúp kiến tạo lợi thế cạnh tranh chiến lược, tăng trưởng bền vững, quyết định đến tầm vóc và giá trị của các doanh nghiệp. Đó chính là sự trải nghiệm khách hàng đa kênh được quản trị xuyên suốt dựa trên am hiểu hành vi và giá trị khách hàng trong từng khoảnh khắc, trên từng điểm chạm và thông qua những tương tác, đề xuất được dẫn dắt bởi các mô hình dữ liệu thống kê học máy.
Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020. Những con số này cho thấy tiềm năng dư địa phát triển của thương mại điện tử cũng như nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai gần.
Đứng trước cơ hội phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước áp dụng công nghệ số và tạo ra các đột phá về sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến việc số hóa và xây dựng kênh bán hàng online, chatbot cũng như ứng dụng công nghệ AR trong truyền thông, quảng cáo sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các bộ lọc AR trên Instagram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác là một bộ công cụ mới thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Một số chuyên gia nhận định Marketing bán lẻ 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở Marketing Automation qua tin nhắn tự động đến khách hàng, mà sẽ xuất hiện sự bùng nổ công nghệ thực tế ảo tăng cường AR. Với sự bùng nổ của thị trường trong năm 2022, công nghệ AR sẽ không còn chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực lớn mà còn mở ra cơ hội cho các hãng bán lẻ nhỏ và vừa. Đặc biệt, trước sự phát triển lan toả của công nghệ Metaverse, không chỉ thương hiệu lớn mà cả thương hiệu vừa và nhỏ cũng sẽ có động lực để thử sức với truyền thông áp dụng công nghệ AR.