08:39 21/05/2007

Công ty chè đầu tiên bán cổ phần: Thua lỗ 2 năm, nợ quá lớn

Hải Bằng

Ngày 4/6 tới, sàn Tp.HCM sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng để cổ phần hóa Công ty Chè Lâm Đồng

Thu hoạch tại vườn cây chè thuộc Công ty Chè Lâm Đồng
Thu hoạch tại vườn cây chè thuộc Công ty Chè Lâm Đồng
Ngày 4/6 tới, sàn Tp.HCM sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng để cổ phần hóa Công ty Chè Lâm Đồng.

Số lượng bán đấu giá 1.939.700 cổ phần, giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phần. Những thông tin quan trọng vừa được công ty công bố sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về ngành chè Việt Nam.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Chè Lâm Đồng có vốn điều lệ 45 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 45%, cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên chiếm 11,9% và cổ phần bán đấu giá ra công chúng là 1.939.700 cổ phần, chiếm 43,1% vốn điều lệ.

Các đơn vị trực thuộc Chè Lâm Đồng đã cổ phần hoá chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2005, gồm: Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất, Đà Lạt, vốn Nhà nước chiếm 25,5%, Công ty Cổ phần Chè - Cà phê Di Linh, vốn Nhà nước chiếm 15%, Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng, vốn Nhà nước chiếm 13%, Công ty Cổ phần Chè Hà Giang, vốn Nhà nước 28%, Công ty Cổ phần Trà Rồng Vàng, vốn Nhà nước chiếm 12,5%, Công ty Cổ phần Chè 1/5, vốn Nhà nước chiếm 28%.

Ông Đoàn Trọng Phương, Giám đốc Công ty Chè Lâm Đồng cho biết, công ty có diện tích đất 301,6938 ha, trong đó vườn cây chè thuộc vốn Nhà nước 100% là 174,2 ha, diện tích công ty và người lao động cùng đầu tư: 118,7091 ha và vốn người lao động đầu tư 100% là 2,419 ha.

Công ty có nhà máy chế biến chè đen, công suất thiết kế 30 tấn nguyên liệu ngày đêm, hàng năm sản xuất từ 1.100 tấn-1.200 tấn chè thành phẩm và chỉ mới sử dụng hết 75% đến 80% công xuất, phân xưởng hoàn thành thành phẩm tại văn phòng công ty, công suất đấu trộn đóng gói từ 5.000-7.000 tấn/năm.

Năm 2004 công ty đầu tư một hệ thống máy tách màu chè kỹ thuật số trị giá 70.000 bảng Anh bằng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phát triển để tăng giá trị sản phẩm và tiết kiệm chi phí nhân công và đầu tư hệ thống đấu trộn tự động từ chương trình kỹ thuật-kinh tế tự động hoá ứng dụng công nghệ tự động hoá chế biến chè đen phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm của công ty 95% là xuất khẩu, chủ yếu là chè đen. Các thị trường tiêu thụ chính là khu vực Trung Đông mỗi năm trên 1.200 tấn chiếm 15-20%, khu vực châu Á mỗi năm tiêu thụ 1.200-1.700 tấn chiếm 20-28%, từ năm 2002 công ty đã mở ra thị trường tiêu thụ chè xanh viên tại thị trường Pakistan.

Tại thị trường nội địa, sau khi 6 đơn vị trực thuộc công ty hoàn thành cổ phần hoá, công ty xây dựng phân xưởng chè xanh 19/5, công suất thiết kế là 250-400 tấn/năm nhằm chủ động nguồn hàng để tiêu thụ cho trị trường đã có.

Công ty Chè Lâm Đồng có khả năng thực hiện được các hợp đồng lớn và thực hiện các hợp đồng có số lượng một mặt hàng lớn mà từng công ty cổ phần không thể đảm nhận được. Ngoài ra, việc tập trung giao hàng cũng giúp giảm các chi phí xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

Vườn chè quản lý tập trung tốt hơn, từng bước thay đổi giống chất lượng cao và ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năng suất bình quân tăng từ 4,5 tấn trước năm 1995 năm lên đến 7,5 tấn/năm, số diện tích đạt năng suất trên 20-25 tấn/năm tăng dần lên, nguyên liệu thu mua có sự thay đổi rõ rệt, quản lý sản phẩm chặt chẽ hơn về chất lượng và số lượng. Công nghệ chế biến đã được đầu tư nâng cấp và đổi mới, từng bước nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, Công ty Chè Lâm Đồng kinh doanh không hiệu quả nhiều năm liền. Năm 2003, chiến tranh tại Iraq đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và giá cả của toàn ngành chè nói chung và Công ty Chè Lâm Đồng nói riêng, các loại chè cấp cao không tiêu thụ được làm giá xuất khẩu bình quân thấp (700 USD/tấn), năm 2004 thị trường Iraq hồi phục trở lại nhưng giá cả giảm nhiều do phải thông qua đấu thầu với các nước khác, trong khi đó tổ chức quản lý sản xuất không kịp thời thay đổi nên kinh doanh không hiệu quả.

Sức cạnh tranh về mua nguyên liệu của Công ty Chè Lâm Đồng rất thấp do chi phí quá lớn so với các đơn vị khác, nên không thể cạnh tranh được khi có nhu cầu lớn về nguyên liệu. Sản phẩm chưa được tiêu chuẩn hoá, chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và chưa có sản phẩm bán theo xuất xứ, sản phẩm nội địa thua kém các đơn vị khác trên cùng địa bàn do chất lượng chưa ổn định, sản phẩm chưa có đặc trưng và thiếu trình độ cũng như kinh nghiệm về kinh doanh nội địa.

Một số đơn vị chào hàng bán giá thấp, chất lượng kém, cạnh tranh không lành mạnh như hạ thấp giá bán để giành khách hàng. Đội ngũ cán bộ quản lý văn phòng công ty và các đơn vị còn nặng nề, chồng chéo kém hiệu quả, chi phí cao. Thực tế chứng minh trong vài năm gần đây khi thị trường có nhu cầu ồ ạt về chè, sự cạnh tranh mạnh mẽ diễn ra trong thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ thì doanh nghiệp nhà nước là các công ty chè không còn khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác và kéo theo hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong vài năm gần đây.