Công ty niêm yết cần “xắn tay” giúp thị trường
Công ty niêm yết không thể "ủng hộ" thị trường bằng cách hoãn trả cổ tức, cổ đông nội bộ bán ra, hay "úp mở" kết quả kinh doanh
Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) vừa có lời kêu gọi các công ty niêm yết cùng chung sức “bình ổn” thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những giải pháp được kêu gọi cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn đang diễn ra.
Kết quả kinh doanh: Càng mù mờ càng sợ
Những thông tin về kết quả kinh doanh quý 2/2011 đã được công bố cho đến thời điểm này đã lộ rõ sự phân hóa. Theo Vafi, Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, môi trường kinh doanh đã tác động nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và điều khiến nhà đầu tư lo ngại là triển vọng các quý tới đây. Do đó Vafi kêu gọi các công ty niêm yết sớm công bố lại kế hoạch sản xuất kinh doanh hai quý cuối năm.
Những khó khăn hiện diện sẽ khiến một bộ phận doanh nghiệp không thể hoàn thành kế hoạch năm 2011 nhưng vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng, thậm chí một bộ phận doanh nghiệp mạnh, quản trị tốt sẽ được hưởng lợi từ lợi thế cạnh tranh, khả năng tài chính mạnh trong ngắn hạn và dài hạn.
“Tuy nhiên cách nhiên cách nhìn nhận của đa phần các nhà đầu tư cá nhân về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là mù mờ, thiếu thông tin và nhận định không chính xác”, đại diện Vafi nhận xét.
Theo tổ chức này, việc thiếu thông tin có thể khiến cộng đồng đầu tư lo lắng thái quá về triển vọng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn, nhà đầu tư cá nhân có thể chưa nhận diện được tình hình tài chính của một số ít doanh nghiệp đang ở tình trạng giải thể, phá sản. Bằng chứng là số cổ phiếu này vẫn được giao dịch nhiều.
“Vafi đề nghị Hội đồng quản trị các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kế hoạch dự kiến Quí 3, quí 4 để các nhà đầu tư có cách nhìn nhận chính xác, tránh tình trạng lo lắng, hoang mang thái quá và cũng để tránh tình trạng bán tháo cổ phiếu với giá rẻ mạt . Việc công bố những thông tin này là rất quan trọng, sẽ có tác dụng góp phần làm bình ổn thị trường”.
“Bơm” tiền cho cổ đông!
Điểm khá thú vị là Vafi kêu gọi các doanh nghiệp sớm thanh toán cổ tức lần một trong tháng 8 và tháng 9: “Nếu nhiều công ty niêm yết cùng trả cổ tức trong tháng 8, tháng 9/2011 sẽ tạo một dòng tiền không nhỏ (so với bối cảnh hiện nay ) đầu tư trở lại vào thị trường chứng khoán và có thể giúp cho thị trường ấm lên, tạo điều kiện cho đà phục hồi dần vào dịp cuối năm”.
Lời kêu gọi này có vẻ trái ngược với một thực trạng là từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt công ty niêm yết phải xin lùi thời hạn trả cổ tức vì chưa kịp thu xếp nguồn tiền! Tính sơ sơ đến nay đã có hơn chục công ty phải xin giãn thời gian trả cổ tức. Đến như VIC, một trong những doanh nghiệp hồi đầu tháng 6 tuyên bố trả cổ tức “khủng” bằng tiền mặt tới 58,8% cũng phải lùi lại gần một tháng. Mặc dù không nêu rõ lý do như những doanh nghiệp khác là thiếu tiền, nhưng việc VIC cần tới 2.300 tỷ đồng tiền mặt thì rõ ràng khả năng trả cổ tức đúng hạn phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền thu về.
Thống kê sơ bộ với các doanh nghiệp phải giãn thời hạn trả cổ tức, không phải doanh nghiệp không tính được nguồn, mà do việc thu hồi vốn, nợ gặp khó khăn hoặc phải tập trung vốn để đầu tư vào dự án cho kịp tiến độ. Đây là rủi ro có thể lường trước trong bối cảnh tài chính khó khăn, tiền tệ thắt chặt và doanh nghiệp nào cũng mong muốn được chậm trả nợ, chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác. Thường việc ghi nhận lợi nhuận trong báo cáo tài chính không có nghĩa là doanh nghiệp “rủng rỉnh” tiền mặt. Dòng tiền thực thu về thường chậm hơn “tốc độ” ghi nhận lợi nhuận trên cơ sở hợp đồng thực hiện.
Thậm chí, chính Vafi cũng phải thừa nhận “khuyến nghị chỉ hướng vào những doanh nghiệp thuận lợi trong khả năng thanh toán cổ tức sớm trong điều kiện hiện nay. Với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn lưu động, đang gặp khó khăn về thu xếp vốn dài hạn cho các dự án đầu tư , đang thua lỗ….. thì không nên thực hiện sớm so với kế hoạch của mình”!
Cổ đông nội bộ "nên mua"
Theo Vafi, nếu có nhiều cổ đông nội bộ tại nhiều công ty cùng tham gia mua cổ phiếu thì sẽ có tác động mạnh hơn và có ý nghĩa nhiều hơn đến việc bình ổn thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, lời kêu gọi này có lẽ khó thành hiện thực vì gần đây, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn liên tục thấy đăng ký bán ra. Thậm chí có vị chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị còn bán sạch cổ phiếu của mình. Có vị Tổng giám đốc sở hữu vài chục ngàn cổ phiếu cũng bán đi để “lo tài chính cá nhân”.
Thực tế đợt suy giảm vừa qua, việc mua vào cổ phiếu quỹ chiếm phần lớn trong hoạt động mua vào của các đối tượng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Tuy nhiên do những hạn chế của quy định mua lại cổ phiếu quỹ, tác động đến thị trường chủ yếu trên khía cạnh tâm lý. Đáng buồn hơn là các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đăng ký mua bán hiếm khi theo đúng kế hoạch. Khi chính cổ đông nội bộ, cổ đông lớn còn chưa thấy cơ hội thì việc nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin là điều dễ hiểu.