Công ty tài chính tiêu dùng: Nợ xấu tăng mạnh, có tiền nhưng không thể cho vay
Do đối tượng vay đều là khách hàng dưới chuẩn nên chỉ trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu tại nhóm công ty tài chính đã tăng từ 6% lên mức gần 10%...
Sáng 29/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức hội viên là công ty tài chính.
NỢ XẤU BÌNH QUÂN VỌT LÊN GẦN 10%
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến nay, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên của VNBA đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó, công ty đứng đầu về vốn điều lệ là FE Credit (10.928 tỷ đồng).
Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên (ngoại trừ công ty tài chính Handico (HAFIC) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt và Công ty tài chính bưu điện PTFinance chưa cung cấp số liệu) tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.
Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu bình quân lại vọt lên mức 10% (cuối năm 2020 đạt khoảng 6%) và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Ông Hùng cho biết, do khách hàng vay của các công ty tài chính đều là khách hàng dưới chuẩn nên nguy cơ nợ xấu do đại dịch Covid-19 đang hiện hữu với các công ty tài chính.
“Nhìn chung, đặc thù khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, do nhiều thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động của nhóm các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, có tiền nhưng không thể cho vay. Những yếu tố này dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm”, ông Hùng đánh giá
Mặc dù cũng chịu khó khăn và tác động không nhỏ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng theo ông Hùng, các công ty tài chính vẫn nỗ lực hỗ trợ các khách hàng.
Điển hình như tại FECredit, Lotte Finance, Mirae Asset, SHB Finance, MB SHINSEI… những công ty tài chính này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các công ty tài chính tiêu dùng đã cơ cấu nợ cho khoảng trên 30.000 khách hàng, với số dư nợ cơ cấu lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Các công ty tài chính cũng miễn giảm lãi cho khoảng 36.000 khách hàng, với số tiền miễn giảm lãi khoảng 600 tỷ đồng…
KIẾN NGHỊ GỠ BỎ NHIỀU RÀO CẢN
Ngoài những khó khăn cho dịch Covid-19 gây ra, các công ty tài chính còn gặp nhiều rào cản bởi các quy định hiện tại. Vì vậy, đại diện Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEI (Mcredit) đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên ưu tiên sửa sớm các quy định liên quan đến hoạt động của công ty tài chính ngay trong năm 2022.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên công bố room tín dụng sớm hơn để các công ty tài chính xây dựng kế hoạch kinh doanh có mức phân bổ hợp lý cho năm sau (thông thường vào tháng 11 và 12 hàng năm, các tổ chức đều bắt tay xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm sau).
Cùng quan điểm, đại diện HD Saison cho rằng đang có sự bất cập trong việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang đánh đồng quy định tỷ lệ nợ xấu tại công ty tài chính với ngân hàng. Trong khi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính khoảng 8-10%, nếu để mức 3% như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ số tài chính của các công ty tài chính. Đây sẽ là chỉ số tài chính rất tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước xét chỉ tiêu, cũng như mức độ tăng trưởng tín dụng cho các công ty tài chính trong năm kế tiếp.
“Trong mối quan hệ giữa nợ xấu và tăng trưởng tín dụng, chúng tôi đề nghị nên tách biệt, phải có thước đo về mặt định tính, định lượng, chứ không chỉ đơn thuần xét tăng trưởng tín dụng trên tiêu chuẩn định tính. Vì trong hoạt động tài chính tiêu dùng, đối tượng khách hàng là tầng lớp yếu thế, thu nhập thấp và không ổn định”, đại diện HD Saison kiến nghị.
Còn đại diện SHB Finance kiến nghị, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cần cho các công ty tài chính chủ động cũng như cho phép thời hạn cơ cấu nợ dài hơn, không chỉ gói gọn trong năm 2022.
“Riêng khoản trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu, các công ty tài chính rất mong muốn được giãn lộ trình để có thể duy trì nội lực, đủ năng lực về tài chính, có khả năng huy động vốn, tăng vốn điều lệ tiếp tục duy trì cho vay ra thị trường”, vị đại diện đến từ SHB Finance chia sẻ.
Trong khi đó, từ thực tế triển khai chuyển đổi số tại các công ty tài chính, đại diện FE Credit đề nghị, Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý riêng cho các giao dịch điện tử. Hơn nữa, công ty tài chính là kênh tiếp cận vốn cho các khách hàng yếu thế, do vậy, đại diện FE Credit mong muốn Hiệp hội Ngân hàng và các cơ quan báo chí truyền thông phối hợp triển khai các chiến dịch truyền thông để cộng đồng hiểu hơn về hoạt động của các công ty tài chính, chứ không nên đánh đồng các công ty tài chính như các app cho vay nặng lãi.
Cũng tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát, ghi nhận và đánh giá cao các đóng góp tích cực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các công ty tài chính trong thời gian qua.
Đồng thời, các ý kiến góp ý, các kiến nghị của Hiệp hội và các tổ chức hội viên đưa ra tại hội nghị sẽ được lắng nghe, báo cáo lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để từ đó có những chỉ đạo hoàn thiện thiện khuôn khổ pháp lý, có chỉnh sửa phù hợp với thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty tài chính.