16:02 10/12/2020

Tín dụng tiêu dùng vào mùa

Lâm Phong

Từ đầu năm 2020 đến nay các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay với mức thấp nhất chưa từng có, còn các công ty tài chính cho vay tiêu dùng vẫn neo mức lãi suất cho vay ở mức cao

Các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói tín dụng tiêu dùng hấp dẫn
Các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói tín dụng tiêu dùng hấp dẫn

Liệu có phải lợi nhuận trên thị trường tín dụng tiêu dùng đang dồn về các công ty tài chính mà đứng sau lưng là các ngân hàng?

Mặc dù dải lãi suất tiêu dùng hiện nay đang rất cao, từ 20 – 50%/năm nhưng nhiều người dân vẫn tìm đến các công ty cho vay tiêu dùng do nhu cầu về tài chính cá nhân trong dân đang rất lớn và phần lớn những khách hàng này không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với những yêu cầu khắt khe về điều kiện vay.

NHỘN NHỊP KÍCH CẦU VAY TIÊU DÙNG

Theo lệ, dịp cuối năm bao giờ dòng tiền lưu thông trên thị trường tiêu dùng cũng tăng cao do nhu cầu mua sắm tăng. Để đón mùa mua sắm lớn nhất năm này, các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiêu dùng đang đẩy mạnh các chương trình kích cầu kéo khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, đại lý... để đưa các dịch vụ của mình vào nhằm kéo dòng tiền luân chuyển qua hệ thống của mình.

Cuối tháng 11/2020, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo cho thấy trong tháng 11 thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 11/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn vào số liệu cho thấy mặc dù 10 tháng đầu năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đến tháng 11 đã tăng cao kéo theo mức tăng của cả năm. Như vậy, thị trường tiêu dùng đang tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, bắt sóng thị trường tiêu dùng cuối năm, các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói dịch vụ tín dụng tiêu dùng hấp dẫn. Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang tung ra gói tín dụng 8.000 tỷ đồng để ưu đãi áp dụng cho khách hàng cá nhân tham gia vay vốn phục vụ các mục đích vay mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng và sử dụng tài khoản thanh toán SHB. Theo đó, mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm và lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì tung ra tới 2 gói ưu đãi lãi suất lớn cho các khoản vay mua nhà, xe dịp cuối năm 2020. Hiện tại Techcombank đang cho vay mua ô tô và chi tiêu hàng ngày chỉ với mức lãi suất 6,99% cho tới 8,75%/năm cố định trong vòng 2 năm. Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (MSB) đang áp dụng mức lãi suất từ 6,99%/năm. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) lại tập trung vào gói ưu đãi hướng đến khách hàng cá nhân có nhu cầu mua xe ô tô, với mức lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hiện lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô đang là từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên. Một số gói vay đặc biệt có lãi suất ưu đãi từ 5,7%/năm. Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) thì đang triển khai cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đến hết ngày 31/1/2021. Đặc biệt, khách hàng cá nhân còn có thể lựa chọn vay thời gian cố định lãi suất 3 tháng hoặc 6 tháng đầu với lãi suất từ 2,99%/năm. Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), từ nay đến cuối năm, khách hàng là cá nhân, nhóm cá nhân được vay với mức lãi suất ưu đãi từ 5,99%/năm...

Ở khối ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hong Leong Bank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 6,75%/năm, hạn mức cho vay tối đa lên đến 80% giá trị bất động sản. Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cũng đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi 6,48%/năm, hạn mức cho vay lên tới 75% giá trị bất động sản và thời hạn vay tối đa 20 năm...

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn và 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất giảm khá mạnh so với trước đây.

Tín dụng tiêu dùng vào mùa - Ảnh 1.

PHẦN LỚN NỢ TÍN DỤNG TRONG TAY CÔNG TY TÀI CHÍNH

Dư nợ tín dụng tiêu dùng hiện nay đang chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, trong đó phần lớn dư nợ tín dụng tiêu dùng rơi vào tay 12 công ty tài chính có sản phẩm tín dụng tiêu dùng hoạt động.

Điều đó cho thấy việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay tiêu dùng không tác động quá lớn đến thị trường tiêu dùng, đến mục tiêu kích cầu tiêu dùng hậu Covid - 19 mà Chính phủ đang đặt ra nếu các công ty tài chính tiêu dùng vẫn neo lãi suất cho vay ở mức cao.

Nói về lí do cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính có mức lãi suất cao nhiều lời giải thích đưa ra cho rằng đối tượng và phương thức cho vay của ngân hàng khác công ty tài chính. Cụ thể, các ngân hàng thương mại thường tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng và các khoản vay tiêu dùng phải có tài sản đảm bảo hoặc chỉ tập chung vào các khoản vay mua nhà, mua xe... Với những khoản vay và khách hàng vay như vậy mức độ rủi ro thấp và nên lãi suất cũng thấp. Ngược lại, các công ty tài chính thường là lựa chọn sau khi khách hàng không đủ điều kiện vay với ngân hàng. Như vậy, đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn của tín dụng ngân hàng nên có độ rủi ro cao và phải chấp nhận mức lãi suất cao.

Trong số 12 công ty tài chính có sản phẩm tín dụng tiêu dùng đang hoạt động tại Việt Nam thì có tới 6 công ty là thành viên của các ngân hàng lớn và đều đang giữ mức lãi suất cho vay tiêu dùng khá cao.

Cụ thể, theo khảo sát của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, trên thị trường ghi nhận duy nhất Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), nơi Ngân hàng Quân đội (MB) đang nắm giữ cổ phần lớn, hạ lãi suất cho vay tiền mặt tín chấp ưu đãi chỉ 6,99% một năm, tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 4 tháng đầu tiên và sau đó sẽ quay lại với mức lãi suất thấp nhất từ 21,12%/năm. Trong khi các công ty tài chính khác như SHB Finance của Ngân hàng SHB, FE Credit của VPBank, FCCOM của MSB, HD Saison của HD Bank và PTF của SeABank... đều đang giữ mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất là 21%.

Như vậy có thể, mặc dù các sản phẩm vay tiêu dùng của ngân hàng mẹ đều giảm lãi suất nhưng các sản phẩm vay tiêu dùng tại công ty tài chính trực thuộc lại không giảm. Đây có lẽ là một phần chính sách của ngân hàng mẹ nhằm kiếm lợi nhuận cao trên thị trường vay tiêu dùng đang rất nóng dịp cuối năm. Thực tế số lượng khách hàng tiếp cận được sản phẩm vay tiêu dùng theo điều kiện của ngân hàng không nhiều, đặc biệt khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19, thiên tai, bão lũ... Do đó, khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng chỉ còn lối ra là tìm đến công ty tài chính trước khi tìm đến tín dụng đen.

Tín dụng tiêu dùng vào mùa - Ảnh 2.

MỞ RỘNG THÊM ĐỐI TƯỢNG  

Quan hệ giữa công ty tài chính là quan hệ dân sự tự nguyện, lãi suất được hình thành dựa trên sự thoả thuận giữa hai bên nhưng trên thực tế khách hàng không bao giờ được thoả thuận về lãi suất khi vay với công ty tài chính. 

Lãi suất thường được các công ty tài chính "áp đặt" dựa trên thang điểm đối với từng khách hàng, khoản vay... Do không thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng khách hàng mới phải tìm đến công ty tài chính và đó là lí do không tồn tại được sự thoả thuận về lãi suất.

Khi tư vấn cho khách hàng, các công ty tài chính cũng không bao giờ thông tin cho khách hàng biết quyền được thoả thuận lãi suất của mình. Trong khi đó, phần lớn khách hàng vay tiêu dùng qua công ty tài chính là khách hàng "yếu thế" về kiến thức tài chính.

Trong một hội thảo gần đây, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay nhu cầu thị trường thì nhiều nhưng số lượng các công ty tài chính cho vay tiêu dùng rất ít nên chưa có sự cạnh tranh cao. Chính phủ nên đưa ra cơ chế khuyến khích nhằm có thêm nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng, để phát triển thị trường theo hướng tự do cạnh tranh. Khi có sự cạnh tranh cao ngoài việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thì mức lãi suất sẽ quyết định thị phần của công ty tài chính trên thị trường tín dụng tiêu dùng.