10:15 24/08/2015

CPI tháng 8 và diễn biến 13 năm mới lặp lại

Thái Hà

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2015 đã giảm 0,07% so với tháng trước

Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.<br>
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2015 đã giảm 0,07% so với tháng trước và cùng tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước và tháng 12 năm trước.

Diễn biến CPI tháng 8 năm nay khá đặc biệt bởi sau 13 năm, CPI mới lại giảm so với tháng trước.

Tuy nhiên, điều này không gây nhiều bất ngờ với giới quan sát, bởi trong khi giá các mặt hàng thông thường ổn định thì diễn biến CPI từ đầu năm phụ thuộc khá nhiều vào các mặt hàng do nhà nước quản lý.

Xăng giảm thì học phí tăng

Trong tháng, giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm khá mạnh trong khi tháng này cũng là thời điểm điều chỉnh học phí các cấp trong cả nước.

Trong tháng 8, theo diễn biến chung của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu các loại bán lẻ trong nước được điều chỉnh khá mạnh (xăng giảm 1.440 đồng/lít, dầu diesel giảm 2.260 đồng/lít) khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,12%, mức giảm mạnh nhất trong các nhóm.

Theo quan sát, mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng mới chỉ có giá cước vận tải hành khách ở một số tỉnh thành giảm theo.

Theo dự báo, chỉ số giá của nhóm hàng này sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới khi những tác động trực tiếp của đợt giảm giá ngày 4/8 còn kéo dài sang tháng sau và cước vận tải hành khách các loại còn tiếp tục được điều chỉnh tương ứng.

CPI tháng 8 chắc chắn sẽ giảm sâu hơn nếu học phí giáo dục ở một số tỉnh thành không có sự điều chỉnh mạnh trước thềm năm học mới.

Hà Nội, Tp.HCM, Hòa Bình, Đắc Lắc, Bình Dương, Cần Thơ… là những tỉnh thành có mức điều chỉnh học phí đáng kể trong tháng này.

Những sự điều chỉnh này khiến chỉ số giá giáo dục cả nước tăng cao nhất 0,87% so với tháng trước.

Theo dự báo, chỉ số giá nhóm giáo dục tiếp tục tăng trong tháng tới khi học phí của một số tỉnh và một số cấp học khác tiếp tục được điều chỉnh.

Thực phẩm tăng liền 3 tháng

Ngoài những diễn biến giá cả mạnh từ các quyết định hành chính nêu trên, chỉ số giá của các nhóm hàng khác trong rổ hàng hóa tính CPI cũng có những diễn biến trái chiều.

Tác động liên đới của việc giá dầu thô thế giới giảm thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến chỉ số giá nhà ở, vật liệu xây dựng giảm giá so với tháng trước.

Trong tháng, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép ổn định thì việc giá gas bán lẻ được điều chỉnh giảm trung bình 8- 12 nghìn/bình 12 kg là nhân tố chính khiến chỉ số giá chung của nhóm này giảm 0,45% so với tháng trước.

Tác động giảm giá còn đến từ hai nhóm bưu chính viễn thông và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng giảm 0,02%. Tuy nhiên, do mức giảm và quyền số của hai nhóm này nhỏ nên tác động đến chỉ số chung không nhiều.

Ở chiều ngược lại, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng với mức tăng 0,1% so với tháng trước trong đó lương thực giảm 0,16%, thực phẩm tăng 0,16% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1%.

Đáng chú ý là nhóm thực phẩm đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới. Với quyền số lớn nhất, diễn biến của nhóm hàng này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến CPI chung.

Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ so với tháng trước.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá chung là vàng và Đô la Mỹ, trong đó chỉ số giá vàng giảm 3,92% và chỉ số Đô la Mỹ tăng 0,31%.