11:31 20/01/2017

Cú tăng tốc đầu tiên của kinh tế Trung Quốc sau hai năm

Bình Minh

Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua năm 2016 với sức mạnh vượt dự báo của thị trường và các nhà phân tích

Giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc đã tăng 12,4% trong năm 2016, dù tốc độ tăng đã chậm lại trong mấy tháng gần đây - Ảnh: Reuters.<br>
Giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc đã tăng 12,4% trong năm 2016, dù tốc độ tăng đã chậm lại trong mấy tháng gần đây - Ảnh: Reuters.<br>
Nền kinh tế Trung Quốc trong quý 4/2016 đã có cú tăng tốc đầu tiên trong vòng hai năm, củng cố sự bình ổn sau một thời gian liên tục suy giảm tăng trưởng. Điều này tạo một bước đệm cho Bắc Kinh trong quá trình điều chỉnh chính sách và ứng phó với những rủi ro thương mại có thể xảy ra dưới thời Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 20/1 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) nước này tăng 6,8% trong quý 4, cao hơn mức dự báo tăng 6,7% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Cả năm 2016, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 6,7%, mức tăng chậm nhất kể từ năm 1990, nhưng vẫn nằm chính giữa khoảng mục tiêu 6,5-7% mà Chính phủ nước này đề ra.

Kinh tế Trung Quốc khởi đầu năm 2016 khá u ám, sau mấy quý tăng trưởng liên tục giảm sút trước đó. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã vượt qua năm 2016 với sức mạnh vượt dự báo của thị trường và các nhà phân tích.

Giờ đây, với sự phục hồi của ngành sản xuất và các áp lực giảm phát suy giảm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể chuyển sang áp dụng một chính sách tiền tệ “trung tính” hơn nhằm giải quyết tình trạng nợ nần cao và giá tài sản tăng “nóng” sau hai năm chính sách nới lỏng vừa qua.

“Nền kinh tế Trung Quốc đã bình ổn trong năm 2016 nhờ ba yếu tố chính, thị trường bất động sản tăng bùng nổ trong 3 quý đầu tiên, chính sách tiền tệ nới lỏng, và sự hỗ trợ mạnh của chính sách tài khóa”, chuyên gia kinh tế Tommy Xie thuộc ngân hàng OCBC ở Singapore nhận xét.

“Tuy nhiên, ba yếu tố này đều sẽ suy giảm trong năm 2017. Các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản sẽ tiếp tục, chính sách tiền tệ sẽ chuyển sang trung tính, hơi nghiêng về thắt chặt. Mọi hy vọng đều dồn vào chính sách tài khóa, nhưng sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa có thể làm gia tăng rủi ro, làm vấn đề nợ nần trở nên nghiêm trọng hơn”, ông Xie nói.

Ở thời điểm hiện tại, tiêu dùng và đầu tư mạnh đang là cơ sở cho những dự báo về tốc độ tăng trưởng ổn định tiếp diễn của kinh tế Trung Quốc trong nhữn quý sắp tới.

Các chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2017. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay lên 6,5%.

Duy trì tăng trưởng đòi hỏi Bắc Kinh phải giải quyết một số thách thức chính sách bao gồm việc đồng Nhân dân tệ có năm giảm giá mạnh nhất 2 thập kỷ trong năm 2016. Do các dòng vốn chảy mạnh khỏi Trung Quốc, PBoC đã phải bán mạnh ngoại tệ để đỡ tỷ giá đồng nội tệ, khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm 320 tỷ USD trong năm ngoái.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm liên tiếp nhiều tháng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, Chính phủ nước này phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Tuy vậy, việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh kém hiệu quả trong các ngành công nghiệp nặng đã bị chững lại vào năm ngoái. Hoạt động tín dụng ngầm vẫn diễn ra mạnh mẽ, và giá bất động sản tăng chóng mặt tại nhiều thành phố lớn cũng là những mối lo không nhỏ.

Theo Reuters, giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc đã tăng 12,4% trong năm 2016, dù tốc độ tăng đã chậm lại trong mấy tháng gần đây. Nợ doanh nghiệp ở nước này đã tăng lên mức 169% GDP, khiến nhiều định chế quốc tế hối thúc Bắc Kinh có biện pháp kiểm soát để tránh nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính.