16:06 20/10/2013

Cử tri muốn Quốc hội làm rõ sai phạm của EVN

Nguyễn Lê

Cử tri Tp.HCM đề nghị Quốc hội làm rõ việc quản lý sử dụng vốn, tài sản và các dự án đầu tư của EVN

Nhiều ý kiến bức xúc về các thông tin từ kết quả thanh tra của Thanh tra
 Chính phủ liên quan đến việc EVN xây hồ bơi, sân tennis… tính chi phí 
vào giá thành bán điện.
Nhiều ý kiến bức xúc về các thông tin từ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc EVN xây hồ bơi, sân tennis… tính chi phí vào giá thành bán điện.
Bên cạnh rất nhiều kiến nghị chung gửi đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, cử tri Tp.HCM còn đề nghị riêng với Quốc hội về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri Tp.HCM trước kỳ họp thứ sáu của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ vấn đề sử dụng tài chính, ngân sách và cơ sở vật chất của các tập đoàn tổng công ty nhà nước từ Trung ương đến địa phương, xử lý nghiêm các sai phạm.

Cử tri cũng đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội giám sát, kiểm tra làm rõ việc quản lý sử dụng vốn, tài sản và các dự án đầu tư của EVN.

Theo phản ánh trên nhiều tờ báo, đầu tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trong 6 dự án nguồn điện của EVN, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Nhưng trên thực tế đó là hàng trăm m2 đất được xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN cho rằng việc xây dựng này là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn vốn đầu tư không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Đề cập vụ việc này, nhiều ý kiến bức xúc về các thông tin từ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc EVN xây hồ bơi, sân tennis… tính chi phí vào giá thành bán điện, cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu và những cán bộ để xảy ra sai phạm, Phó trưởng đoàn Trần Du Lịch cho biết.

Trong lĩnh vực kinh tế, báo cáo cũng phản ánh ý kiến nhiều cử tri về tình trạng thương lái nước ngoài thu mua ồ ạt nguyên liệu nông sản, thủy hải sản gây ra nhiều tác động xấu, như làm rối loạn thị trường, doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu chế biến, sản xuất ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng tình việc Chính phủ kiên quyết loại bỏ các công trình thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp, các công trình thủy điện có tác động tiêu cực lớn đối đến môi trường – xã hội, cử tri cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ về quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện các dự án thuỷ điện để tránh gây thất thoát lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong vận hành, xả nước để không gây thiệt hại cho đời sống và hoạt động sản xuất của nông dân.

Người dân Tp.HCM cũng cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành trong thời điểm hiện nay là chưa cần thiết. Trước mắt cần đầu tư mở rộng, nâng cấp các sân bay hiện có như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ, Liên Khương sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị dừng dự án xây dựng sân golf, nhà cao tầng trong sân bay Tân Sơn Nhất để không ảnh hưởng đến an toàn bay và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề khác khiến cử tri lo lắng được thể hiện tại báo cáo là đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng thể hiện trong mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành. Giới trẻ nhanh chóng bị tiêm nhiễm bởi những mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế. Một bộ phận người dân có tâm lý lẩn tránh, vô cảm, thiếu trách nhiệm.

Cử tri đề nghị các bộ, ngành liên quan có biện pháp chấn chỉnh việc giáo dục đạo đức, lối sống từ trong gia đình, cơ quan và ngoài xã hội…báo cáo viết.

Cũng như ở nhiều tỉnh thành khác, cử tri Tp.HCM cho rằng, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo tích cực, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cử tri đề nghị thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên quyết và hữu hiệu hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng như giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là trong đội ngũ cán bộ cao cấp, lãnh đạo chủ chốt.

Đồng thời giám sát chặt hơn nữa việc thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, yêu cầu từng ngành, từng cấp tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực trạng công tác phòng chống tham nhũng, đề ra các giải pháp thực tế để phát huy điểm mạnh và khắc phục những hạn chế, bất cập; tăng cường hơn nữa công tác giám sát xử lý của các cơ quan chức năng đối với các vụ án tham nhũng đã được phát hiện và thông tin rộng rãi cho cử tri được biết.