12:05 07/09/2007

“Cửa hẹp” cho đồng vốn

Lãi suất huy động VND đang được các ngân hàng cắt giảm dưới nhiều hình thức khác nhau

Hạ lãi suất là động thái tất yếu để cắt giảm chi phí đầu vào khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên gấp đôi.
Hạ lãi suất là động thái tất yếu để cắt giảm chi phí đầu vào khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên gấp đôi.
Lãi suất huy động VND đang được các ngân hàng cắt giảm dưới nhiều hình thức khác nhau, với mức giảm khoảng 0,02 – 0,06%/tháng trong khi cách đây không lâu lãi suất huy động đã được đẩy lên mức 9,6%/năm.

Đây là động thái tất yếu để cắt giảm chi phí đầu vào khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên gấp đôi. Ngân hàng cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao đã gây áp lực cho người dân trong việc chọn kênh bỏ vốn an toàn này.

Tính đến nay, đã có trên 15 ngân hàng cổ phần cắt giảm lãi suất. Đáng chú ý là khối ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động vốn dĩ đã thấp hơn so với khối ngân hàng cổ phần nay tiếp tục cắt giảm đã làm khó cho người gửi tiền. Bởi thực tế, tâm lý của người dân Việt Nam vẫn thích gửi tiền vào những ngân hàng quy mô, có thương hiệu.

Để tránh ảnh hưởng, gần đây một số ngân hàng thực hiện hình thức “gửi tiền trúng thưởng”, nhưng với mức lãi suất huy động thấp hơn so với lãi suất thường. Chẳng hạn như Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa mới tung ra chương trình “Thành tỷ phú – cơ hội trong tầm tay” để đánh vào tâm lý của những người thích gửi tiền trúng thưởng.

Tuy nhiên, so với mức lãi suất huy động thường của ACB, lãi suất tham gia chương trình này thấp hơn khoảng 0,08%/tháng. Cụ thể, nếu tham gia chương trình, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng này là 7,56%/năm (tính bình quân chỉ có 0,63%/tháng). Trong khi đó, mức lãi suất huy động thường cùng kỳ hạn lên đến 0,71%/tháng.

Thế nhưng, theo quan sát, người gửi tiền vẫn thích tham gia các chương trình trúng thưởng hơn việc gửi bình thường. Chỉ sau chưa đầy 1 tháng triển khai chương trình “Gửi tiền hôm nay – cơ may vàng ký”, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã huy động được số vốn ngoài mức dự kiến là gần 1.000 tỷ đồng.

Giảm lãi suất đang là bài toán được nhiều ngân hàng lựa chọn. Trong khi đó, những tháng gần đây lạm phát tăng cao, chỉ riêng tháng 7 lạm phát đã lên đến 0,94%. So với tốc độ tăng của giá tiêu dùng, gửi tiết kiệm không còn được hưởng lãi suất thực dương khiến nhiều người phân vân không biết nên bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu để được an toàn mà vẫn có lợi.

Lâu nay, ngân hàng vẫn được xem là nơi gửi vốn an toàn và mức sinh lợi phù hợp đối với những người không thích mạo hiểm. Mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều lúc thăng hoa, nhưng lượng tiền nhàn rỗi trong dân không “chảy” hoàn toàn vào thị trường này và thực tế, tốc độ huy động vốn của ngân hàng vẫn gia tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thói quen dự trữ vàng hay ngoại tệ của người dân Việt Nam đã được thay đổi. Chỉ có những nhà đầu cơ, những người không ngại mạo hiểm mới dám bỏ tiền vào thị trường vàng lúc giá xuống, nhưng họ lại nhanh chóng bán ra khi giá tăng trở lại. “Người Việt Nam bây giờ không thích dự trữ tài sản trong nhà nên không mặn mà với thị trường vàng.

Vả lại, nếu mua vàng rồi gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp hơn so với gửi bằng VND”, một cán bộ Phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết. Từ thực tế trên cho thấy, người dân đang chịu áp lực từ nhiều phía (giá cả tiêu dùng tăng, lãi suất tiết kiệm bị cắt giảm, chứng khoán diễn biến khó lường, vàng không còn hấp dẫn).

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động do trước đó đã điều chỉnh tăng quá cao. Mặt khác, so với những tháng đầu năm, nguồn vốn khả dụng của ngân hàng đang khá dồi dào.