Cựu Phó tổng Mobifone: Đi họp không biết nội dung, bị yêu cầu ký, trù dập khi phản đối vụ AVG
Các ý kiến phản đối đều bất thành, thậm chí bị trù dập, bị yêu cầu kỷ luật
Toà án Nhân dân Tp. Hà Nội ngày 20/12 tiếp tục xử vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng.
Trong phần tự bào chữa tại phiên toà, các cựu lãnh đạo Mobifone khẳng định không hề muốn mua AVG, họ không được cung cấp thông tin về thương vụ, khi ý kiến phản đối thì không được chấp thuận thậm chí bị trù dập.
Bị lãnh đạo trù dập, yêu cầu ký
Tại toà, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng mình rất sốc khi nghe bản án luận tội của Viện kiểm sát. "Trong suốt 26 năm làm việc, tôi chưa bao giờ gặp một dự án nào hay phải làm một dự án kinh doanh nhưng lại đóng dấu mật tất cả. Khi một dự án đóng dấu mật, tất cả mọi thứ đã gây nhiều khó khăn khi triển khai", ông Hùng nói.
Trong thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG, ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao làm tổ trưởng đánh giá kinh doanh nhưng ông cho biết, ông chỉ được làm hai báo cáo trình lãnh đạo Mobifone. Ông Hùng nói: Khi làm dự án này tôi hoàn toàn trong sáng, khách quan và cũng có nhiều ý kiến phản đối về tốc độ triển khai dự án nhưng bất thành".
Bị cáo Hùng cho rằng việc truy tố của Viện kiểm sát là đúng người nhưng tội trạng đến đâu cần được xem xét khách quan.
Bị cáo Hùng giải thích trong vụ việc này ông được giao làm hai báo cáo 66 và 67. Báo cáo 66 (ngày 11/7/2015) có nội dung đánh giá xu thế công nghệ, xu hướng kinh doanh và các điều kiện liên quan đến kinh doanh truyền hình số. Để thực hiện báo cáo, ông Nguyễn Mạnh Hùng căn cứ vào báo cáo kế hoạch kinh doanh AVG xây dựng giai đoạn 2015-2020, tài liệu của VCBS báo cáo tư vấn; số liệu trong sách trắng về ICT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Báo cáo số 66 là độc lập, khách quan, không là nguyên nhân dẫn tới việc dự án được duyệt thông qua. Nội dung báo cáo không tác động, gây ảnh hưởng, giúp sức cho hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án này", bị cáo Hùng nói.
Về báo cáo số 67 (ngày 6/8/2015), ông Hùng cho biết nội dung có nhiều chi tiết cảnh tỉnh về những thông tin của AMAX là chưa khách quan, khó khăn để đạt được, không tác động, gây ảnh hưởng, giúp sức cho hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án này: "Bản đánh giá của AMAX có doanh thu kỳ vọng dự báo trong tất cả các báo cáo vẫn khá cao so với dự báo trong chiến lược của Mobifone giai đoạn 2015-2020. Doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên truyền hình được dự báo là rất cao. Bản phân tích chưa đưa ra được những sở cứ, phân tích thuyết phục cho tỷ lệ tăng trưởng này".
Cựu Phó tổng giám đốc Mobifone, Phạm Thị Phương Anh cũng nói rằng chưa bao giờ tư lợi hoặc biết sai mà vẫn cứ làm. Suốt quá trình thực hiện dự án, có vấn đề nào băn khoăn đều rất trung thực và báo cáo lên "cấp trên". Bà chưa bao giờ làm dự án kinh doanh nào của Mobifone, AVG là dự án đầu tiên.
Cựu Phó tổng Mobifone khác là ông Nguyễn Đăng Nguyên, tại toà khai nhận rằng đã được ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Mobifone chỉ đạo mua bán trong thương vụ. Bị cáo Nguyên cho biết, bản thân nhận được rất ít thông tin về dự án trước khi Mobifone ký hợp đồng mua AVG.
"Tôi đã đóng góp ý kiến xác đáng nhất để có cái nhìn rõ ràng và cẩn trọng về dự án, từ chối thanh toán 5% còn lại cho AVG, nếu tiếp thu một phần ý kiến của tôi thì sai phạm đã không xảy ra. Ít có người nào dám làm trái ý Chủ tịch Lê Nam Trà như tôi. Việc phản đối thanh toán 5% khiến ông Trà liên tiếp chỉ đạo Ban Giám đốc kỷ luật tôi", bị cáo Nguyên chỉ rõ những người "đứng đầu" đã cố tình chia nhỏ bức tranh, tài liệu, công việc, đưa dự án vào "mật" để những người tham gia không thể có cái nhìn toàn cảnh, cộng thêm "bánh vẽ" 5 tỷ USD doanh thu từ truyền hình được họ công bố khiến những người có nhiều năm công tác ở Mobifone như bị rơi vào mê cung.
Bị cáo Phan Thị Hoa Mai, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị Mobifone cho biết nhận được rất ít thông tin và thụ động trong việc tiếp cận dự án mua AVG. Bà từng phản đối thương vụ này vì đầu tư ngoài ngành rủi ro mất tiền cao nhưng khi đó Chủ tịch Lê Nam Trà nói: "Đã không tính tiền lại còn nói lằng nhằng, tôi rời cuộc họp sớm. Tôi không họp và tham gia biểu quyết đồng ý nên ký khống là trách nhiệm của chủ tịch".
Luật sư bào chữa
Phiên toà chuyển sang phần bào chữa, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ được biết thông vụ Mobifone mua AVG kể từ khi có quyết định số 1196 ngày 29/6/2015 về thành lập Tổ đánh giá về kinh doanh truyền hình số với chức năng là đánh giá về kinh doanh truyền hình số, lập báo cáo kết quả đánh giá trình Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên.
Trước đó trong nhiều quyết định của Ban tổng giám đốc và Hội đồng quản trị Mobifone đều không có tên của ông Hùng.
Về hai báo cáo 66 và 67, Luật sư Hướng cho rằng cả 2 báo cáo này đã không có bất kỳ đánh giá nào về tình hình kinh doanh của AVG thậm chí còn có những cảnh báo, trì hoãn tốc độ dự án.
Ngày 22/12/2015 Tổng giám đốc Mobifone ban hành quyết định số 2666 thành lập Tổ đàm phán Hợp đồng mua lại AVG. Nguyễn Mạnh Hùng đã không tham gia bốn 4 cuộc đàm phán của Tổ với AVG vì bận công tác chuyên môn của mình nhưng sau đó có gửi góp ý đàm phán diễn ra thận trọng.
Về cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo Hùng nói rằng trước khi đến họp còn không được thông báo nội dung cuộc họp và không biết có biên bản sau khi kết thúc nên chữ kí lúc đó chỉ là trách nhiệm với công việc hàng ngày chứ không phải mang yếu tố giúp sức cho hành vi phạm tội.
Ngày 30/12/2015 Chủ tịch Mobifone triệu tập họp với Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc thông báo các văn bản mật của các Bộ, ngành liên quan đến dự án. Đến đầu tháng 1/2016, Tổng giám đốc yêu cầu các Phó tổng ký biên bản họp để trình Hội đồng thành viên ký với AVG. Lúc này sau khi các "văn bản mật" tiết lộ dự án được chấp thuận từ các cấp trên, tin tưởng sếp nên các cấp Phó tổng đều ký vào văn bản này.
"Ông Nguyễn Mạnh Hùng không phụ trách tài chính của Mobifone, không có kiến thức tài chính. Ông Hùng tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật lý vô tuyến, nhiều năm công tác tại Mobifone trong vai trò kỹ thuật viên, sau đó quản lý lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng nên khó có thể nhận ra được những thủ thuật xào nấu tài chính số liệu của Ban Tổng giám đố", Luật sư Hướng bào chữa.